Đừng dễ dãi quy kết chụp cho văn hóa cái mũ phong kiến

Đỗ Đức Thứ hai, ngày 05/01/2015 08:55 AM (GMT+7)
Hãy tỉnh táo trước những phản ứng xã hội về văn hóa và đừng dễ dãi quy kết chụp cho nó cái mũ phong kiến là coi như giải quyết xong vấn đề. Văn hóa luôn có đường đi riêng của nó...
Bình luận 0

Mới đây tôi đọc được bài viết của nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang đề cập đến vấn đề “tư duy phong kiến và bảo thủ trỗi dậy”. Bài viết có đề cập đến hai chuyện om sòm trên mạng là một nhóm nhạc đã lấy khăn piêu đội đầu của người Thái làm khố. Và chuyện thứ hai là đạo diễn Lê Hoàng lấy sách kê chân ghế ngồi trò chuyện với hoa hậu trên truyền hình.

Với hai chuyện trên, phản ứng dư luận là không đồng tình. Với hai dẫn chứng trên, người viết nhận định: “Với tôi, là một thái độ bảo thủ, cứng nhắc và một suy nghĩ phong kiến”… Đi xa hơn, với câu chuyện khác hẳn, tác giả viết tiếp: “Tư duy phong kiến quy định những tên nào thì không được nhắc tới, màu sắc nào thì ai được dùng, và các vật thể nhất định thì phải sử dụng ra sao, nếu không muốn bị quy trọng tội là “phạm huý”. Theo tôi thế này thì hơi lu loa, đi quá xa rồi.

Lý giải về hiện tượng văn hóa đâu có đơn giản như tác giả viết. Văn hóa hình thành trên miền đất sống, nên có văn hóa Đông - Tây khác nhau. Mỗi dân tộc có quyền tự hào về văn hóa của mình. Ta có thể tôn trọng người Mỹ lấy cờ hoa may bikini, hay đưa ảnh tổng thống vào quần đùi, đó là văn hóa của họ.

Nhưng không vì thấy thế mà học theo, không vì thế mà “sáng tạo” lấy cái khăn piêu đội đầu của người Thái thắt làm khố, khi bị phản ứng lại vội chụp mũ cho người không đồng tình là “tư duy phong kiến”... Cái đó không phải tư duy phong kiến.

Tôi nghĩ rằng tác giả bài viết quá sốt sắng với cái gọi là “tư duy sáng tạo và đổi mới” nên đã nhầm lẫn và quy kết lung tung. Về văn hóa thì mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng do hoàn cảnh sống của họ. Nên không có văn hóa mẫu, văn hóa mẹ, chỉ có cái đại chúng và ít đại chúng hơn. Còn chuyện nói rằng nó tiến bộ hay lạc hậu là do góc nhìn và thước đo chủ quan của người phát ngôn, chứ không thể có văn hóa tiến bộ hay lạc hậu, vì bản chất văn hóa được hình thành do thời đại và điều kiện sống.

Bàn về văn hóa là câu chuyện dài. Lịch sử đã chứng minh rằng mất văn hóa thì dân tộc không tồn tại. Văn hóa suy thoái là cái họa mất nước liền kề. Văn hóa là cái cốt cách của dân tộc, nó khác với những quy phạm phong kiến đặt ra để bảo vệ chế độ của nó.

Cũng như chế độ ta cũng đẻ ra luật lệ để bảo vệ chính quyền mình, cái đó không phải văn hóa, dù trong các điều luật có chứa đựng yếu tố văn hóa.

Hãy tỉnh táo trước những phản ứng xã hội về văn hóa và đừng dễ dãi quy kết chụp cho nó cái mũ phong kiến là coi như giải quyết xong vấn đề. Văn hóa luôn có đường đi riêng của nó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem