Hàng loạt mặt hàng lỡ nhịp
Có thể thấy, những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đã tác động cực mạnh đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, bởi đây vẫn là thị trường chính và truyền thống. Tính đến hết tháng 9.2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,94 tỷ USD, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng giảm mạnh là xuất khẩu gạo, rau quả, cà phê…
Đơn cử, giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018. Dù Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với 67,7% thị phần nhưng xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 9 tháng năm 2019 chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành chăn nuôi bò sữa đang có cơ hội phát triển nhờ sản phẩm sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: P.V
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm nay, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm tới 67%.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mặc dù xuất khẩu rau, quả sang các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng rất mạnh nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rau, quả nhập khẩu, đồng thời siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch. Thêm vào đó, Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm phải có chứng chỉ VietGAP; có cơ sở đóng gói bảo đảm vệ sinh an toàn, có máy móc thiết bị.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhận định, Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn.
“Phía Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe. Các nhà máy phải bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, quy trình tránh lây nhiễm chéo sản phẩm. Trung Quốc yêu cầu bản thân doanh nghiệp tự xây dựng quy trình giám sát nhưng doanh nghiệp phải hiểu được quy trình đó và chú trọng các khâu rà soát an toàn thực phẩm” – ông Hòa nói.
Đừng chở hàng bằng xe cút kít
Theo Tổng cục Hải quan, tính chung trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản của cả nước đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam với 4,25 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, với những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách quản lý nhập khẩu của Trung Quốc, đã đến lúc doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu này.
“Doanh nghiệp phải là đầu tàu trong việc xây dựng chuỗi giá trị, phải có những doanh nghiệp đủ lớn để tập hợp nông dân theo chuỗi. Nếu chúng ta cứ dùng xe cút kít đưa hàng nông sản thế giới thì rất dễ bị những con tàu lớn đánh chìm” – ông Thủy khẳng định.
Theo ông Thủy, năm 2017, Trung Quốc đưa ra 7 mục tiêu trong đó có 3 mục tiêu liên quan đến xuất khẩu chính ngạch. Thứ nhất, họ xây dựng một xã hội toàn diện, khá giả. Thứ hai là đi sâu vào cải cách kết cấu trọng cung và điều đó sẽ thay đổi chính sách nhập khẩu rất lớn. Thứ ba là chấn hưng nông thôn, liên quan đến chấn hưng nông nghiệp và giai tầng nông dân của Trung Quốc.
Trong 3 mục tiêu trên thì Trung Quốc đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế thật, có nghĩa là lấy nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp là phương hướng chủ công.
“Hiện Trung Quốc có 50% số hộ chuẩn bị khá giả nên xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc thay đổi rất mạnh. Vì vậy, việc siết chặt nhập khẩu là chuyện đương nhiên và nó cũng phù hợp với thông lệ của quốc tế, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các thị trường khác. Đối với Việt Nam, điều này cũng không quá bất ngờ và đột ngột” – ông Thủy nhận định.
Trong bối cảnh này, ông Thủy cho rằng, nếu như chuỗi liên kết giá trị của chúng ta tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. “Một số đơn vị cho đây là tin vui, vì Trung Quốc hiện nay đã cấp cho Việt Nam 1.309 mã vùng về cây trồng ở 32 tỉnh, 1.435 mã số đối với các cơ sở đóng gói trên các loại rau, quả mà Trung Quốc đã chấp nhận, như vậy sự giao dịch, sự tin cậy lẫn nhau, Trung Quốc thật sự đã nhìn thấy” – ông Thủy nói.
Theo ông Lê Thanh Hòa, vừa qua việc doanh nghiệp TH true milk chính thức xuất khẩu sữa vào Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa hai nước là động lực, là nền tảng để tiến tới có thêm nhiều mặt hàng sẽ vào được thị trường này theo con đường chính ngạch.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Không thay đổi sẽ bị đào thải
Tôi thấy rằng việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu, chẳng qua chúng ta không có sự chủ động nghiên cứu từ trước, mà đến khi họ áp dụng vào rồi chúng ta mới hốt hoảng, kêu lên rằng họ gây khó khăn cho chúng ta - như vậy không phải, đây là xu thế tất yếu của việc phát triển của một nền kinh tế.
Chúng ta đừng nhìn thị trường Trung Quốc bằng con mắt của người có 2.436 USD bình quân của Việt Nam. Qua nghiên cứu của chúng tôi, về cơ bản thấy rằng chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công với thị trường Trung Quốc. Còn chúng ta vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ chắc chắn vào thị trường Trung Quốc rất khó.
Chúng ta phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường mà chúng ta định hướng tới, để sau đó có những thay đổi.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Phải thông tin cho nông dân để đáp ứng yêu cầu
An Giang hiện xuất khẩu lúa gạo và cá tra, chỉ có 2 doanh nghiệp được Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy nhưng chỉ 1 doanh nghiệp có giấy báo đạt. Chúng ta thấy đạt được tiêu chuẩn doanh nghiệp của Trung Quốc rất khắt khe.
Bộ NNPTNT phải thông tin cho nông dân về tiêu chuẩn, kỹ thuật từng loại để đáp ứng được thị trường. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, là bệ đỡ tác động nâng cao nhận thức cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sẽ là quyết định.
P.V (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.