Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Duật Thuyên, Giám đốc phụ trách an toàn của Tập đoàn Formosa, cho biết Formosa đã xây dựng hệ thống nước thải với kinh phí tổng cộng là 45 triệu USD. Giấp phép xả thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp theo tiêu quy chuẩn 52/2013.
Từ tháng 3/2015, hệ thống bắt đầu thử nghiệm, tới tháng 12/2015 nhận được giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hệ thống xả thải có công suất dự tính ban đầu là 43.000 m3 một ngày đêm, tuy nhiên do công ty chưa chính thức đi vào hoạt động nên hiện mỗi ngày, lượng nước thải chỉ là 11.000 m3.
Bên cạnh đó, Formosa nhập các loại hóa chất để ổn định chất lượng nước trong tháp làm lạnh, súc rửa đường ống. Sau thời gian, một lượng hóa chất như axit, kiềm, dầu mỡ, ni tơ, chất rắn... được thải ra môi trường. Số hóa chất này đi qua hệ thống xử lý của công ty, khi nào đạt tiêu chuẩn sẽ đưa ra ngoài.
Ông Hoàng Duật Thuyên, Giám đốc phụ trách an toàn của Formosa. Ảnh: Đức Hùng
Lý giải tại sao ống xả thải phải chôn ngầm, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng Đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh cho biết, vì đây là đường ống lớn (rộng một mét, dài 1,5 km) nên không thể làm nổi trên mặt nước. Hàng ngày, khu vực cảng có rất nhiều tàu thuyền trọng tải lớn qua lại, sẽ ảnh hưởng và gây rủi ro có thể vỡ ống. "Đây không phải là đường ống chúng tôi xây trộm mà đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép", ông Phàm nói.
Kiểm soát chất lượng nước thải thế nào
Theo ông Thuyên, cán bộ theo dõi hệ thống xả thải tự động của Formosa được phân chia làm 3 ca, túc trực để kiểm tra. Khi nào máy có thông số vượt tiêu chuẩn, hệ thống thông báo lại, sau đó yêu cầu bơm nước xử lý lại từ đầu, đến khi nào đạt mới đẩy ra ngoài.
Ngoài hệ thống đó, các ca làm việc nhân viên tự lấy mẫu phân tích bằng tay để so sánh với hệ thống quan trắc tự động xem có khác biệt gì để tránh sai sót. Công ty cũng thuê một đơn vị độc lập kiểm tra mẫu nước thải mỗi tháng một lần. Các lần đều lấy nước thải đầu vào, đầu ra và mẫu nước ngoài biển để thực hiện quan trắc. Những tài liệu quan trắc gửi về Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
"Từ khi hệ thống hoạt động, chưa một lần xảy ra trục trặc kỹ thuật hay phải trả nguồn nước thải về xử lý lại. Hiện những chất thải ra môi trường tự nhiên như chất rắn, dầu mỡ, ni tơ… đều đạt giới hạn giá trị tối đa", ông Thuyên cam kết.
Liên quan việc kiểm soát chất lượng nước xả thải, ông Phàm nói thêm, Formosa Hà Tĩnh là dự án của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) nên phải tuân thủ mọi quy định của công ty mẹ. Hàng tháng, tập đoàn sẽ gửi người đến giám sát các quy định xả thải ra bên ngoài. Như vậy, nước thải đã được kiểm tra nhiều lần trước khi ra đến môi trường.
Các đường ống cỡ lớn trong quá trình lắp đặt tại dự án Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Nhật Minh
"Sản xuất thép chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường. Nhà nước có đưa ra quy chuẩn chung về các thông số nước thải, Formosa luôn chấp hành theo. Công ty cũng luôn cố gắng nhập thiết bị, công nghệ hiện tại nhất từ Nhật Bản vào dự án để nâng cao hiệu quả", ông Phàm nói.
Làm gì với gần 300 tấn hóa chất
Với 296 tấn hoá chất nhập khẩu, ông Phàm cho biết công ty không chỉ dùng tẩy rửa đường ống mà mỗi hoá chất là một chức năng. Công ty áp dụng 4 phương pháp là rửa bằng không khí, bằng nước sạch, hơi nước và bằng hoá chất NaOH (Natri Hidoxit) và HCl (Axit Clohidric). Nước thải phát sinh sau tẩy rửa sẽ được qua trạm xử lý nước thải công nghiệp, sau đó mới thải ra hệ thống quan trắc tự động.
Hiện tại quanh hệ thống xả thải không có điều gì bất thường, cá và tôm vẫn còn sống. "Khoảng mấy ngày đây chúng tôi không đi kiểm tra, nhưng có một số đơn vị nhà nước đi kiểm tra và xác định cá không chết quanh khu vực đó", ông Thuyên nói.
Trả lời câu hỏi về hiện tượng cá chết hàng loạt, ông Thuyên cho hay không biết nguyên nhân từ đâu, nên chưa thể đưa ra được ý kiến.
"Formosa tự tin làm tốt vấn đề môi trường, không nghĩ đó là trách nhiệm về phía mình. Các cơ quan nhà nước đang điều tra, khi có kết luận này mọi sự sẽ rõ ràng. Về việc cá chết hàng loạt gần đây, chúng tôi cũng rất áp lực và mong cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra kết luận để công ty yên tâm sản xuất. Dư luận giờ đang phẫn nộ, Formosa có nói một trăm câu cũng không ai tin nên phải đợi cơ quan chức năng có kết luận", ông nói.
Đầu tháng tư, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu chết. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra cá, tôm nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên dọc 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Lượng cá tự nhiên chết dạt lên bờ đến ngày 25/4 gần 60 tấn, chủ yếu là các loại cá sống ở tầng đáy.
Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng điều tra và chưa có kết luận, nhưng những ngày qua nghi vấn đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi doanh nghiệp này có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Vài ngày trước khi xảy ra cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống. Khoảng 300 tấn hóa chất nhập về để làm việc này được đánh giá là cực độc.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp thuộc Tập đoàn Formosa của Đài Loan, bắt đầu xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng năm 2012. Đây là nhà máy liên hợp sản xuất gang thép từ nguyên liệu thô ban đầu là quặng sắt và than đá thành các sản phẩm gang thép thành phẩm. Dự án gồm 6 lò cao dung tích 4.350 m3, công suất ước đạt 15 triệu tấn gang thành phẩm với tổng mức đầu tư là 28,5 tỷ USD, khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho trên 35.000 lao động. Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 10,5 tỷ USD.
Formosa đăng ký 11 ngành nghề đăng ký kinh doanh: chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất xi măng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước; xây dựng, lắp đặt, vận hành và kinh doanh nhà máy khí, bán các khí nén và các khí chất lỏng sử dụng trong công nghiệp như oxy, nitơ; chế tạo, gia công, sản xuất, mua bán và xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan quá trình luyện than cốc, hắc ín, dầu thô nhẹ; kinh doanh bất động sản.
|
Đức Hùng - Bạch Dương (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.