Ghi nhận của các cơ quan quản lý cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng tết không tăng đột biến có đóng góp của công tác bình ổn giá, cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giá cả, thị trường lại cho rằng, phải kể đến phần đóng góp quan trọng nhất là sức mua chung của toàn xã hội đã giảm đáng kể, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Theo thống kê, riêng địa bàn Hà Nội sức mua giảm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa chỉ tăng 2,4%.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Nhìn chung tỷ trọng của hàng hóa bình ổn so với tỷ trọng hàng hóa nói chung không cao. Doanh số bán hàng bình ổn so với doanh số bán hàng chung cũng chưa có thống kê cụ thể. Trong khi điều đáng quan tâm nhất trong tháng tết vừa qua là sức mua của người dân đã giảm mạnh. “Do đó, nếu nói công tác bình ổn giá đã có hiệu quả giúp kiềm chế giá cả là chưa hoàn toàn chính xác” - ông Doanh nhấn mạnh.
|
Lượng hàng bình ồn giá chiếm tỷ trọng rất ít trong tổng hàng hóa tiêu thụ. |
Phân tích ở góc độ khác, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Giá đã cao rồi thì bình ổn có tác dụng gì”. Mọi ý kiến đánh giá “công tác bình ổn trên địa bàn thủ đô đã phát huy tác dụng” là quá lạc quan. Do vậy việc chỉ số giá chỉ tăng dưới 1% không hề có hề có tác động của chủ quan mà là do khách quan. Không phải do nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Ông Phú phân tích, 3 dịp lễ, tết quá gần nhau gồm lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Một “hũ gạo” phải chia ba nên không còn nguồn lực. Bằng chứng rõ nhất để thấy công tác bình ổn chưa đạt hiệu quả là phải so sánh số tiền dành cho bình ổn trên tổng số tiền hàng hóa lưu chuyển trên thị trường. Ví dụ, riêng Hà Nội dành 475 tỷ đồng để dự trữ, bán hàng bình ổn, nếu doanh nghiệp quay vòng tốt thì khả năng sẽ tương đương 800 tỷ. Nhưng 800 tỷ so với 24.000 tỷ đồng là tổng mức tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn thì vẫn chỉ là góc nhỏ. Với tỷ lệ 1/30 thì có lẽ là không có tác dụng, lại còn nảy ra cơ chế xin cho, cơ chế hai giá” - ông Phú nói.
So với nhiều năm trước, gần đây phần lớn siêu thị lao đao, gặp khó khăn nên buộc giảm giá, khuyến mãi nhưng hàng vẫn không bán được. “Nếu các sở công thương đảm bảo được hàng bình ổn chiếm 60% thì mới có thể thấy hiệu quả của bình ổn giá. Phải xem dân kêu như thế nào chứ không nhìn qua báo cáo” - ông Phú nhấn mạnh.
Hồ Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.