Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam trình bày báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2019.
Giá ảo ở một số địa phương
Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2019 vừa được Hội Môi giới bất động sản công bố, thị trường bất động sản nhà ở có sự lệch pha cung - cầu biểu hiện mạnh, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm nhà ở cho phân khúc giá rẻ, bình dân. Phân khúc cao cấp phát triển mạnh và phù hợp nhóm đối tượng khách nước ngoài nhưng lại bị giới hạn tiêu thụ bởi quy định lượng sản phẩm cho người nước ngoài.
Tại một số địa phương mới phát triển, chủ trương phát triển nhà ở đô thị dành cho các chuyên gia, công nhân, lao động dịch chuyển không được quan tâm bằng chủ trương phát triển các dự án phân lô, bán đất nền.
Giá đất ở một số địa phương đẩy lên quá cao.
Lực cầu trong năm 2019 luôn duy trì ở mức cao. Đặc biệt những dự án có pháp lý đầy đủ, được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và được thực hiện bởi những nhà phát triển có uy tín, giá bán phù hợp….
Tỷ lệ hấp thụ thường đạt 70 - 80%. Đây là điểm sáng, điểm mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam và là yếu tố tích cực vẫn thu hút các nhà đầu tư trong năm 2020.
Thế nhưng, ở một số địa phương giá đất được đẩy lên quá cao, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị đã tạo giá ảo. Hiện tượng này phần nào đã và đang dẫn đến hệ lụy như: Cơ quan Nhà nước điều chỉnh thuế đất, người dân đòi tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến sụt giảm hoạt động đầu tư phát triển đô thị; giá ảo khiến các nhà đầu tư rời khỏi thị trường, làm suy giảm phát triển kinh tế địa phương và thị trường bất động sản.
Lượng giao dịch giảm 37% so với năm 2018
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng cung nhà ở năm 2019 đạt hơn 100.000 nghìn sản phẩm nhưng chỉ đạt 61,5% so với năm 2018. Trong khi đó, lượng giao dịch đạt gần 73.000 sản phẩm nhưng chỉ đạt 64,7% so với năm 2018.
Tại Hà Nội, Năm 2019, có 58 dự án với gần 27.000 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng. Số sản phẩm trên giảm hơn năm 2018 là 3.019, chỉ đạt 56,4% sản phẩm của năm 2017.
Lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở đều giảm so với năm 2018.
Lượng cung căn hộ chào bán đang phát triển mất cân đối giữa các vùng. Tại Long Biên, Gia lâm, Hà Đông,.. lượng cung rất lớn vượt xa so với nhu cầu của khách hàng. Thế nhưng, tại một số quận trung tâm, nhu cầu vẫn rất lớn nhưng lượng cung hạn chế bởi quỹ đất để phát triển dự án gần như không còn.
Sau quãng thời gian dài giá bán căn hộ tương đối ổn định, cuối năm 2019, sự khan hiếm sản phẩm mới trong thời gian dài đã đẩy giá bán căn hộ trung và cao cấp tăng 3-5%
Năm 2019, tại TP.HCM có 47 Dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện bán hàng. Riêng quý IV có 15 Dự án. Tỉ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM luôn duy trì ở mức rất cao (trên 70%)
Đặc biệt, ở TP.HCM từ quý II/2019 không còn căn hộ giá thấp bởi sự tăng giá.
Giá bán căn hộ cao cấp tại các dự án có sự chênh lệch rất lớn, một số dự án cao cấp giá lên tới 250 triệu đồng /m2.
Ngoài 2 thị trường lớn trên, tại Khu vực Đông Bắc, lượng cung giảm, giao dịch chậm, sản phẩm chủ yếu là đất nền. Phân khúc căn hộ chưa dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ, lẻ bởi nhu cầu sử dụng không cao.
Một số tỉnh thành đang được đầu tư hạ tầng tốt như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đang thu hút hàng nghìn nhà đầu tư trên cả nước. Nhiều dự án chịu sự kiểm soát chặt chẽ của quản lý nhà nước nên mặc dù bùng nổ nhiều dự án mới song thị trường bất động sản vẫn ổn định, bền vững.
Hay tại các khu vực khác như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng… lượng cung và giao dịch cũng có sự sụt giảm mạnh mẽ, tỉ lệ hấp thụ thấp bởi các vấn đề về tín dụng, thanh tra, kiểm tra việc cấp phép phát triển dự án. Đặc biệt là tâm ý e ngại từ khách hàng sau hàng loạt những sai phạm trong quá trình cấp phép đầu tư phát triển dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.