Giả mạo bác sĩ, bệnh viện: Vật vã tìm cách giải quyết

Bạch Dương Thứ ba, ngày 08/08/2023 13:08 PM (GMT+7)
Tình trạng giả mạo bệnh viện, bác sĩ nổi tiếng để trục lợi, lừa đảo người bệnh diễn ra đã lâu và rất đa dạng, thậm chí khá tinh vi. Mặc dù nhiều bệnh viện, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo nhưng thực tế, để giải quyết tận gốc vấn đề này vô cùng khó khăn.
Bình luận 0
Giả mạo bác sĩ, bệnh viện: Vật vã tìm cách giải quyết - Ảnh 1.

Bệnh viện Quân y 175 cảnh báo tình trạng giả mạo. Ảnh: BVCC

Chiêu thức giả mạo tinh vi

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) gần đây đã phát đi thông tin cảnh báo việc mạo danh bác sĩ, thương hiệu của bệnh viện này để trục lợi, lừa người bệnh.

Theo Bệnh viện Quân y 175, thời gian qua, bệnh viện liên tục cảnh báo về tình trạng nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như: "Viện thẩm mỹ 175", "Bệnh viện 175"… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.

Đến nay, thủ đoạn càng tinh vi hơn khi một loạt Fanpage giả mạo ra đời đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại nội dung từ Fanpage chính thức của Bệnh viện Quân y 175. Nội dung bao gồm các bài đăng, logo, ảnh bìa. Thậm chí, một số trang Facebook giả mạo, lợi dụng danh tiếng của bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định, việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng dịch vụ. Đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Bệnh viện Quân y 175 khẳng định, cơ sở này đang sở hữu Fanpage Bệnh viện Quân y 175 có dấu tích xanh. Đây là Fanpage chính chủ, được công nhận và xác minh quyền sở hữu với địa chỉ: https://www.facebook.com/BVQY175. Bệnh viện có duy nhất một trang thông tin điện tử (https://benhvien175.vn)

Cơ sở khám chữa bệnh duy nhất của Bệnh viện Quân y 175 là 786 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM, hotline 19001175. Tất cả cơ sở thẩm mỹ ghi Bệnh viện 175, ngoài khuôn viên bệnh viện, ở TP.HCM hay các tỉnh thành khác đều là giả mạo.

"Nạn nhân" thường xuyên của chiêu mạo danh trên mạng xã hội có lẽ phải kể đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Những năm qua, hàng loạt Fanpage có chèn cụm từ "Chợ Rẫy" xuất hiện rầm rộ, chủ yếu trong mảng thẩm mỹ. Hậu quả là, người bệnh hiểu nhầm các cơ sở thẩm mỹ có chữ "Chợ Rẫy" trong tên gọi đều do bác sĩ Chợ Rẫy phụ trách hoặc bệnh viện liên kết. Từ đó, đồng ý lựa chọn thực hiện dịch vụ.

Bệnh viện Chợ Rẫy rất nhiều lần khẳng định đây là tình trạng mạo danh bệnh viện để trục lợi. Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi đơn khẩn cấp đến Công an TP.HCM khi phát hiện một công ty lập ra các Fanpage và tài khoản Facebook giả mạo thương hiệu bệnh viện, vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp.

Tại thời điểm đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng gửi đơn đến Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư của TP.HCM và Cần Thơ để giải quyết. Kết quả, công ty bị phản ánh đã buộc phải đổi tên.

Bệnh viện này cũng nghiêm cấm cán bộ, công nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng sử dụng thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy đi làm ăn, hợp tác bên ngoài. Quyết liệt như thế, nhưng đến nay, Facebook vẫn tràn ngập các tài khoản mạo danh có cụm từ "Chợ Rẫy".

Nhiều bác sĩ nổi tiếng cũng bị mạo danh, ghép hình, ghép chữ để quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng.

Giả mạo bác sĩ, bệnh viện: Vật vã tìm cách giải quyết - Ảnh 3.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 bị mạo danh để bán thuốc. Ảnh: P.V

100% bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng là giả mạo

Luật An toàn thực phẩm, quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Do đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

"Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh", Cục An toàn thực phẩm đưa ra cảnh báo. Đồng thời, người dân cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Cũng nhằm bảo vệ người bệnh, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo trước khi lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh hay cơ sở thẩm mỹ, người dân có thể kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở này thông qua cổng tra cứu của ngành y tế. Ngoài ra, các bệnh viện đều có số điện thoại đường dây nóng để phản ánh hoặc xác minh thông tin.

Với thực phẩm chức năng, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Giả mạo bác sĩ, bệnh viện: Vật vã tìm cách giải quyết - Ảnh 4.

Các bệnh viện sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng mạo danh. Ảnh: BVCC

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có những giải pháp quyết liệt trước vấn nạn mạo danh, lừa đảo trục lợi trên không gian mạng. Cơ quan này đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm…

Nhiều bệnh viện cũng đang "mạnh tay" hơn trong việc xử lý tình trạng giả mạo. Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với Công an TP.HCM xử lý khi phát hiện công ty giả mạo bệnh viện. 

Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh viện đã liên hệ trực tiếp với cơ sở, cá nhân có hành vi mạo danh để nhắc nhở không được vi phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an can thiệp trong một số trường hợp. Trong thời gian tới, nếu vẫn còn các cơ sở mạo danh bệnh viện để trục lợi và lừa đảo, Bệnh viện Quân y 175 sẽ gửi đơn khởi kiện lên cơ quan chức năng để được giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem