Dân gian truyền rằng: Xưa, có con yêu quái tên Tụy thường xuất hiện vào đêm Giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên. Trong một đêm giao thừa bỗng có 8 vị tiên đi qua một gia đình nọ, biết cậu bé con sắp gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền. Bố mẹ cậu bé lấy giấy đỏ gói 8 đồng tiền lại và đặt dưới gối của con.
Bao lì xi (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Nửa đêm con Tụy xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu cậu bé thì từ đồng tiền lóe lên những tia sáng vàng rực khiến Tụy hoảng hốt bỏ chạy. Thấy vậy, sáng hôm sau gia đình nhà ấy đem chuyện kể cho hàng xóm nghe. Từ đó nhà nào cũng làm theo. Rồi cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì màu đỏ cho trẻ con. Tiền đó gọi là tiền “lì xì”, là mong muốn của những bậc cha mẹ muốn xua đuổi những điều xấu xa khỏi con mình, để chúng lớn lên mạnh khỏe và may mắn.
Không chỉ thế, phong bao lì xì còn mang theo cả những lời chúc tốt lành của người tặng gửi đến người nhận cho một năm mới phát lộc, phát tài.
Lại có giai thoại khác kể rằng: Xưa kia có một gia đình nghèo nọ có ba người con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì nên nghĩ ra cách lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì và nắn nót viết lên giấy 3 chữ: Phúc - Lộc - Thọ rồi cho vào đó. Sáng mùng một Tết, người cha tươi cười mừng tuổi 3 đứa con bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng. Chẳng ngờ ít ngày sau, nhà ông phát tài, tiền vô như nước.
Thiệp chúc mừng năm mới (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Thời gian trôi nhanh, lại tới 30 tháng Chạp. Nhớ lại cái Tết nghèo khó trong năm qua, người cha lại tiếp tục tặng “chữ” cho con như trước với mong ước cuộc sống của các con vẫn luôn sung túc, phúc lộc vẹn tòan. Ai ngờ, khi ba người con bóc ra, mỗi người đều thấy vỏn vẹn chữ Phúc, còn hai chữ Lộc, Thọ không thấy đâu. Bốn cha con đang phân vân thì một vị thần xuất hiện: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phúc đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phúc, lộc, thọ. Vì có phúc mới hưởng được lộc, mới thọ được lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ Phúc để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, ông biến mất.
Sáng ngày mùng Một Tết, ở gia đình nào cũng vậy, việc đầu tiên của trẻ con trong nhà là xúng xính mặc quần áo mới, xếp hàng, khoanh tay chúc Tết ông bà, cha mẹ và người thân trong gia đình rồi hớn hở nhận về những phong bao lì xì đỏ thắm với những tờ tiền mới tinh. Với con trẻ, đó là điều làm nên một cái Tết đúng nghĩa.
Bao lì xì cùng với bánh mứt, cây hoa, người thân sum vầy tạo nên một hình ảnh rực rỡ, đầm ấm, mang đậm tính truyền thống của cái Tết cổ truyền, và hình ảnh ấy sẽ ăn sâu vào tâm trí của trẻ thơ mãi cho đến lúc trưởng thành. Với người lớn, đó là niềm hạnh phúc khi chứng kiến con cháu đón nhận lời chúc may mắn của mình, là niềm vui khi cảm nhận được tình cảm nồng ấm mà các thành viên trong gia đình truyền cho nhau qua những phong lì xì. Lộc năm mới không phải tìm kiếm đâu xa, lộc trước nhất xuất phát ngay từ niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được khi trao và nhận phong bao mừng tuổi.
Ngày nay, dù đã trải qua bao biến thiên của lịch sử, mỗi mùa xuân về, người ta vẫn cầu mong được hưởng lộc may, cũng cảm thấy không khí Tết như rộn rã hơn khi cầm trong tay phong lì xì đỏ thắm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.