Trong khi nhiều bạn trẻ vẫn giữ đam mê, yêu thích với chèo, cải lương... thì không ít người trẻ thờ ơ, tỏ thái độ không thích nghệ thuật âm nhạc cổ truyền vì nhiều lý do đưa ra như: khó hiểu, không thu hút...Đã có một cuộc khảo sát nho nhỏ với sinh viên tại Hà Nội với chủ đề "Nghệ thuật truyền thống với giới trẻ hiện nay". Kết quả thu được là khoảng 50% các bạn không thích âm nhạc cổ truyền, 35% các bạn nghe bởi được học và tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền. 15% còn lại là do gia đình có truyền thống về nghệ thuật.
Bạn Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, sinh viên Đại học Luật Hà Nội) đưa ra ý kiến: "Âm nhạc cổ truyền cần kết hợp với những dòng nhạc đang thịnh hành hiện đại ngày nay như: Rap, EDM...
Chia sẻ với Dân Việt, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - Trưởng nhóm Xẩm Hà Thành cho biết: "Tôi rất ủng hộ việc đổi mới âm nhạc cổ truyền, kết hợp với những thể loại âm nhạc mới. Chúng tôi đã làm điều này hàng chục năm nay.
Để tiếp cận được với giới trẻ phải có những biện pháp và xu hướng mới như kết hợp âm nhạc cổ truyền và âm nhạc dân gian đương đại, hoặc các thể loại nhạc mới bây giờ như: Rap, R&B... Chúng tôi đã kết hợp xẩm cùng với các thể loại mới trong chương trình "Xẩm và đời" năm 2015 và có những hiệu ứng nhất định của khán giả đặc biệt là khán giả trẻ tuổi.
Sau đó còn có những gameshow trên chương trình truyền hình. Cụ thể, trong chương trình The Remix, Hương Giang Idol đã chọn tác phẩm xẩm kết hợp với âm nhạc điện tử để thi và có những kết quả nhất định. Tôi thấy việc kết hợp này rất hiệu quả và cần phải phát huy hơn nữa để giới trẻ tiếp cận được với âm nhạc của dân tộc".
NSƯT Nguyễn Đức Lợi – Tổ trưởng tổ nhạc Nhà hát Tuồng Việt Nam nhận định: "Với tư cách là một nghệ sĩ đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam, cá nhân tôi nhận thấy sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống của Việt Nam với các loại hình âm nhạc hiện đại như: Rock, Rap… là một hướng đi mới để âm nhạc truyền thống dễ thẩm thấu hơn với khán giả trẻ hiện nay và cũng là cơ hội để âm nhạc truyền thống có cơ hội tiếp cận, vươn xa ra thế giới để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
Tôi khá ủng hộ giải pháp này nhưng phải đảm bảo âm nhạc truyền thông không bị phai màu và vẫn giữ được bản sắc riêng. Việc này giống như "Hòa nhập mà không hòa tan", đổi mới nhưng không thay thế".
Clip: Giới trẻ nghĩ gì về nghệ thuật âm nhạc cổ truyền?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.