Gỡ bỏ nhiều rào cản cho nông sản Việt

Mai Hương Thứ sáu, ngày 23/10/2015 17:15 PM (GMT+7)
Với 95,1% số hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp và các hàng hóa nhập khẩu khác vừa được dỡ bỏ thuế theo cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản nhiều khả năng sẽ trở thành đối tác xuất khẩu - đặc biệt là nông sản lớn nhất nhì của Việt Nam.
Bình luận 0

Bỏ thuế 9.000 mặt hàng

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố chi tiết các thoả thuận dự kiến của nước này khi tham gia TPP. Theo đó, nước này sẽ bỏ thuế với nhiều sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, trong đó có những sản phẩm nhạy cảm như gạo, thịt bò, thịt lợn... Việc gỡ bỏ này sẽ ảnh hưởng ngay lập tức (khi TPP có hiệu lực) đến khoảng 51% của gần 2.330 sản phẩm nông nghiệp của Nhật. Và khi hiệp định có hiệu lực đầy đủ, phạm vi ảnh hưởng sẽ là 81%.

img

Việc Nhật Bản giảm thuế về 0% sẽ giúp cá ngừ Bình Định có lợi hơn khi xuất khẩu sang nước này.   Ảnh :  I.T

Đơn cử, thuế nhập khẩu của hơn 100 loại rau củ sẽ bị gỡ bỏ ngay, như mức 3% Nhật Bản đang áp dụng với hồ tiêu, cải bắp, rau diếp và rau chân vịt hay 6% áp lên dâu tây, dưa hấu và các loại quả khác. Mức thuế 9% với khoai tây nhập khẩu sẽ được bỏ dần trong 6 năm, với hành sẽ được bỏ trong 6 năm và ngô ngọt là 4 năm...

Ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Bởi các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất của Nhật Bản là nông, thủy sản, hàng dệt may… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Một khi TPP chính thức có hiệu lực thì mức thuế 4,3% đánh trên mặt hàng thịt lợn cao cấp của Nhật Bản sẽ được điều chỉnh giảm dần trong 10 năm. Còn đối với mặt hàng thịt lợn giá bình dân thì biểu thuế sẽ được cắt giảm xuống còn 50 yen/kg thay vì mức 482 yen/kg như hiện nay. Về mặt hàng thịt bò nhập khẩu, Nhật Bản có khả năng sẽ cắt giảm mức thuế từ mức 38,5% xuống còn 27,5%.

Dự kiến trong vòng 15 năm tới, mức thuế này có thể được hạ thấp xuống khoảng mức 9%. Mức thuế đánh vào thịt gia cầm, vốn đang dao động trong khoảng 8,5-11,9% như hiện nay cũng sẽ được điều chỉnh giảm dần…

Hay với mặt hàng cá ngừ hiện nay, thuế xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang Nhật Bản khoảng từ 6,4-7,2% trong khi đó Thái Lan và Philippines có thuế xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản chỉ 0%. Sự bất lợi này đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam khó cạnh tranh và có lãi khi xuất khẩu sản phẩm vào Nhật Bản.

Nay với TPP, Nhật Bản công bố thuế cá ngừ giảm về 0% sẽ mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu cá ngừ vào thị trường này.

Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Chuyên gia kinh tế, thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Khi thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp của Nhật Bản giảm thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nhập nguyên liệu sản xuất từ Nhật Bản có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, và giảm được dần tỷ lệ nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Cơ hội này cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có nếu thiếu TPP”- ông Thắng nói.

Cho đến nay, dệt may, thủy sản, nông nghiệp, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy… là các ngành Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sau TPP nên ông Thắng cho rằng, Việt Nam cần có sự ưu tiên nhiều hơn. Ngược lại, chúng ta cần tăng cường nguồn lực cho các ngành sẽ bị cạnh tranh gay gắt sau TPP. “Việt Nam muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu các sản phẩm nông công nghiệp cho thị trường Nhật Bản thì các doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ là điều không thể thiếu”- chuyên gia này chia sẻ.

Thực tế, dù TPP có đem lại nhiều thuận lợi thì các doanh nghiệp của ta sẽ phải vất vả hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật (yêu cầu về bao bì đóng gói, ghi nhãn, vận chuyển…) hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) của Nhật Bản và các nước.

“Nhật Bản không dễ gì bỏ ngỏ thị trường nông sản của mình để cho hàng hóa nước ngoài dễ dàng tràn vào. Họ vẫn có những giải pháp bảo hộ mạnh mẽ cho sản xuất của người nông dân và như thế sẽ gây khó khăn cho hàng nông sản Việt nếu muốn bước chân vào thị trường Nhật Bản. Doanh nghiệp của ta phải sẵn tâm thế, hàng rào này bỏ thì hàng rào khác có thể lại được dựng lên. Cuộc đua của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ như một cuộc chạy vượt rào nếu muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản”- ông Thắng nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần có sự hội nhập, sự chuẩn bị sâu hơn nữa trong sản xuất, chất lượng (bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm), sản lượng ổn định để có thể tận dụng ưu thế sau khi TPP có hiệu lực.

“Chúng ta cần chuẩn bị năng lực cạnh tranh để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu khắt khe của Nhật Bản. Trong một tương lai có TPP, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp sẽ phải chủ động, sẵn sàng, tự tin bởi có cơ hội và tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang nước bạn hay không cuối cùng chỉ phụ thuộc vào năng lực thực tế của doanh nghiệp mà thôi”- ông Phong nói. 

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm: Làm ăn với Nhật phải chuyện nghiệp

Trước thông điệp mà Nhật Bản phát ra có thể coi đó cũng là tiềm năng cho chúng ta, bởi Nhật Bản là nước tiêu thụ rất nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm, nhưng cũng phải nói rằng Nhật Bản là thị trường rất khắt khe mà chúng ta lại ở trình độ sản xuất thấp. Từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và những vấn đề thuộc về chất lượng sản phẩm, kể cả chất lượng đội ngũ lao động, chúng ta cần phải phấn đấu chuyên nghiệp. Nếu chúng ta chậm trễ trong vấn đề này kể cả từ tư duy, chính sách, điều hành, đội ngũ cán bộ, lao động... thì không những không tận dụng được cơ hội mà chúng ta sẽ bị tụt lại.

Lương Kết (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem