Gỡ khó cho hiến ghép tạng tại Việt Nam

Diệu Linh Thứ tư, ngày 11/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ngành ghép tạng Việt Nam lại vừa ghi dấu ấn khi lần đầu tiên ghép ruột từ người cho sống cho 2 bệnh nhân. Trước đó, các bác sĩ cũng đã “chinh phục” ghép phổi, ghép chi... Tuy nhiên, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sau 13 năm đã có những điểm lạc hậu cần thay đổi.
Bình luận 0

Ngày 10/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo đánh giá bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để lấy ý kiến đóng góp cho quá trình sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô...

Tiến bộ vượt bậc trong ghép tạng

Ngày 27-28/10 vừa qua, êkip gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công 2 ca ghép ruột cho liên tiếp 2 bệnh nhân. Đây là 2 ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam, giúp Việt Nam đứng vào hàng ngũ 22 nước trên thế giới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng khó này.

Trước đó, ngày 16/9 cũng là ngày "kỷ lục" của Bệnh viện 108 khi 12 bàn mổ thực hiện cùng lúc tạng từ 1 thanh niên chết não rồi ghép cùng lúc cho 6 bệnh nhân khác. Hơn 150 bác sĩ và nhân viên y tế đã được huy động.

Các bác sĩ đã ghép 2 phổi cho một bệnh nhân bị xơ phổi; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp. 2 thận được ghép cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Đặc biệt, 2 cẳng bàn tay người hiến được ghép cho một bệnh nhân bị cụt cả 2 cẳng tay do tai nạn chất nổ. 5 bệnh nhân ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện 108.

Còn trái tim đã được chuyển qua Bệnh viện Việt Đức để ghép cho 1 bệnh nhân viêm cơ tim giai đoạn cuối. Hiện sức khỏe của tất cả 6 bệnh nhân này đều đã ổn định.

Đáng nói, ca ghép 2 cẳng tay tiếp tục đánh dấu thành công trong lĩnh vực ghép chi của Việt Nam. Người được ghép là bệnh nhân nam 18 tuổi, cách đây 3 năm bị tai nạn chất nổ mất 2 cẳng tay.

Trước đó, vào tháng 1/2020, chính Bệnh viện 108 đã thực hiện ca ghép tay từ người cho còn sống lần đầu tiên ở Việt Nam. Người nhận là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi), bị tai nạn lao động 4 năm trước, phải cắt cụt 1/3 tay trái. Còn người cho sống cũng là 1 thanh niên bị băng chuyền máy tải gạch cuốn đè ép 1/3 cẳng tay đến sát nách. Do phần giập bị hoại tử nên các bác sĩ đã phải cắt hầu hết vùng cánh tay. Nhận thấy bàn tay còn khá nguyên vẹn "ăn khớp" với phần tay bị mất đi của anh Vương nên đã ghép cho anh Vương. Bàn tay được ghép của anh Vương đã phục hồi khá tốt.

Năm 2019, Việt Nam cũng đã chinh phục thành công việc ghép phổi từ người cho chết não...

Đánh giá về trình độ của Việt Nam trong ghép tạng, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia ghép tạng cho biết: "Trình độ ghép tạng của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Tuy nhiên, số ca ghép tạng ở nước ta còn khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới".

Nhiều rào cản trong quy định hiến, ghép tạng

Chia sẻ tại buổi hội thảo đánh giá bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 10/11, PGS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam ghép được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là từ người cho chết não.

Một con số quá khiêm tốn so với hơn 1.500 ca chấn thương sọ não mỗi năm. Mỗi năm chúng ta chỉ vận động được khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Năm 2019 cao nhất cũng chỉ có 20 người cho chết não. Con số này so với các nước châu Âu là quá nhỏ. Theo PGS Hệ, việc người cho chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, rào cản đến từ quy định của pháp luật có không ít.

"Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Vậy cái thẻ tình nguyện hiến tạng có ý nghĩa gì đâu. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ đành bất lực, người bệnh nặng cần tạng phải chết mòn.

Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu quá nhiều chữ ký "gia đình" khi đồng ý cho người chết hiến tạng. Nhiều trường hợp vợ (chồng) đã đồng ý nhưng bố mẹ, thậm chí em không đồng ý cũng đành bó tay"- PGS Hệ phân tích.

Chia sẻ về điểm khó này, bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện T.Ư Huế) cũng cho biết, bệnh viện đã từng có trường hợp đáng tiếc: "Anh bị chết não, em bị bệnh nặng cần ghép tạng. Người vợ đã đồng ý hiến nhưng chính cha mẹ lại không đồng ý lấy tim của con trai lớn ghép cho con trai bé, chấp nhận để con bé sống thoi thóp".

Gỡ khó cho hiến ghép tạng tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Ca ghép tạng kỷ lục tại Bệnh viện Việt Đức: Ghép 6 tạng cho 5 người từ 1 người cho chết não. Ảnh: BSCC

Ngoài ra, bác sĩ Tú cũng cho biết thêm, để đảm bảo sự chặt chẽ về pháp lý và nhân văn cho người hiến - người nhận, bệnh viện đã mời cả công an vào cuộc để xác minh tính chân thực của hồ sơ từ người cho sống và sự đồng thuận của gia đình người hiến tạng. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện T.Ư Huế đã nhờ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác minh hơn 588 hồ sơ và phát hiện hơn 100 hồ sơ không hợp lệ do làm giả giấy tờ hoặc gia đình không đồng ý.

Tuy nhiên, bác sĩ Tú cũng thừa nhận, hiện nay nguồn tạng từ người chết não còn khan hiếm dẫn đến nạn cò mồi ngày càng gia tăng, khó có thể phân biệt giữa hiến tạng và mua bán tạng. Ngoài ra, hiện nay, chi phí ghép tạng cũng chưa được BHYT chi trả, điều này gây khó cho nhiều người nghèo bệnh nặng.

"Chi phí cho 1 ca ghép tim khoảng 1 tỷ đồng, 1 ca ghép gan khoảng 1,5 tỷ, ghép thận từ 300-500 triệu đồng/ca. Nhưng hiện nay, BHYT mới chỉ chi trả gần 100 triệu đồng cho mỗi ca ghép tạng (bao gồm chi phí phẫu thuật, thuốc, vật tư y tế), không thanh toán chi phí phát sinh từ người hiến như xét nghiệm người hiến, phẫu thuật lấy tạng...".

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng, bộ phận cơ thể người

Đồng tình về điều này, PGS-TS Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: "Nếu chúng ta đã xác định ghép tạng là một phương pháp điều trị bệnh hiểm nghèo cuối cùng thì tại sao BHYT lại không chi trả. Thực tế cho thấy, chi phí cho 1 ca ghép tạng khoảng trên dưới 1 tỷ rẻ hơn nhiều so với chi phí mà BHYT chi trả cho 1 ca chạy thận nhân tạo nhiều năm, 1 ca suy tim luôn có nguy cơ phải hồi sức cấp cứu... Tất nhiên, BHYT chi phí y tế cơ bản, còn ghép tạng là y tế chuyên sâu nên trong quy định giá cũng chia rõ phần nào do BHYT chi trả, phần nào do người dân tự bỏ tiền... hoặc người dân không trả thì cần lấy từ nguồn nào".

PGS Hùng cũng cho rằng, việc mời công an vào thẩm định hồ sơ cũng khó phát hiện đâu là hiến tạng, đâu là mua bán khi giấy tờ hầu như đều thật (đơn của người hiến, đồng ý của gia đình người hiến, xác nhận họ hàng của chính quyền địa phương, giấy đăng ký kết hôn).

Dù cấm mua bán tạng nhưng "có cung có cầu" nên khó ngăn chặn, thậm chí người bán còn bị chăn dắt, chi phí của người mua đều rơi vào túi bọn cò mồi mà người bán chẳng nhận được bao nhiêu.

PGS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, ngăn chặn việc mua bán tạng bằng "giấy tờ" là khó khả thi. "Theo tôi, người muốn ghép tạng cần đóng một khoản tiền vào Trung tâm Điều phối ghép, người muốn hiến đăng ký vào Trung tâm Điều phối... Thông qua trung tâm sẽ chi trả cho người hiến một khoản tiền lớn hơn số tiền một quả thận được bán ngoài "chợ giời". Như vậy sẽ ngăn chặn được việc mua bán tạng, bảo vệ được người nhận và người hiến..."- PGS Tiến nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem