Sản phẩm, hàng hóa đảm bảo nguyên tắc truy xuất nào để lưu hành?

Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 11/06/2023 06:31 AM (GMT+7)
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Bình luận 0

Giao UBND các tỉnh xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hệ thống truy xuất

Dự thảo thông tư nêu trên quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu. Quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mãy truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.

Dự thảo áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Sản phẩm, hàng hóa đảm bảo nguyên tắc truy xuất nào để lưu hành? - Ảnh 1.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa dễ dàng sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Theo dự thảo, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu dựa trên nguyên tắc một bước trước - một bước sau để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được cơ sở sản xuất, kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh/công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quy trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Sản phẩm, hàng hóa có dữ liệu truy xuất nguồn gốc bảo đảm các thông tin cơ bản của tên, hình ảnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh.. sản phẩm, hàng hóa. Hoặc các thông tin liên quan đến thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm.

Dự thảo cũng nêu rõ về trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để triển khai hệ thống truy xuất. Trong đó, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn áp dụng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, triển khai và quản lý truy xuất nguồn gốc tại địa phương.

Đồng thời triển khai vận hành, quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương. Mặt khác, xây dựng kế hoạch thực hiện, bố trí nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hằng năm, trung hạn và dài hạn tại địa phương.

Dự thảo nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trên địa bàn có thể đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa từ nguồn lực của doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ khác.

Tổng cục Đo lường Chất lượng có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện việc cung cấp dịch vụ giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định tại thông tư.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về dịch vụ giải pháp cung cấp cho tổ chức, cá nhân liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có nhu cầu kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bảo đảm duy trì dữ liệu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 19 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Trong đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực, hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Chủ trì, hướng dẫn áp dụng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, triển khai các hoạt động có liên quan. Xây dựng, vận hành và quản trị Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Chủ trì nghiên cứu phát triển các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Chỉ định tổ chức chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Định kỳ trước ngày 25/12 hằng năm, hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

10 dữ liệu cơ bản mỗi sản phẩm, hàng hóa có dữ liệu truy xuất nguồn gốc bảo đảm truy xuất:

a) Tên sản phẩm, hàng hóa;

b) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;

c) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;

d) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;

đ) Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (tối thiểu bao gồm mã truy vết vật phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn);

e) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);

g) Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;

h) Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);

i) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có);

k) Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem