“Hạt lúa dựng lại tự do”

Thứ tư, ngày 30/03/2011 12:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với những ca từ của một người cả đời sống cùng triết lý, nhạc của Trịnh Công Sơn "thường trực" những bóng người đẹp phảng phất… Nhưng trong gia tài ca khúc đồ sộ của mình, có những lúc ông vẫn hướng về hình ảnh những nông dân cần lao.
Bình luận 0

Ông nhìn người nông dân bằng con đường du mục vào thành phố. "Du mục" viết năm 1972 hoặc sớm hơn nữa, mở đầu bằng cảnh một đàn bò vào thành phố, đêm buồn vắng buồn hơn, rồi một người vào thành phố, không còn có ai người quen, người tìm về đồng xanh, nhưng đồng xanh bỏ không…

Gói gọn trong một bài hát, Trịnh đã lột tả được cuộc sống cơ cực của người nông dân khi phải tha hương, không bám trụ được, muốn quay về nhưng đã bị tước mất ruộng vườn, tất cả đều do chiến tranh.

Ca khúc "Dân ta phải sống" là phản kháng dứt khoát trước chiến tranh và sự đồng cảm của ông với người nông dân. Bức tranh đầu thể hiện rõ cảnh chiến tranh chết chóc với những câu: "Thịt người cho thú ăn ngon, đầu đội bom bước đi mong manh, trái tim treo trên đầu súng, nước mắt chan cơm, đàn trẻ thơ đi trong đêm đến trường cố chờ ngày bình yên".

Nhưng vượt lên tất cả, bức tranh thứ hai mang màu tươi sáng: "Nhưng dân ta vẫn lớn như rừng, từ ruộng đồng hạt lúa nuôi dân ta, mầm hoà bình nở trên khốn khó, cùng đứng lên ta dựng lại căn nhà tự do. Tất cả do hạt lúa dựng lại tự do. Tôi cùng anh đi dựng lại con đường hoà bình Việt Nam".

Sau năm 1975, có những người đã nghĩ, chắc Trịnh Công Sơn sẽ chẳng bắt nhịp được với những thay đổi của xã hội. Nhưng dường như nhanh hơn bất cứ nhạc sĩ nào đã từng sống ở Sài Gòn, ông ùa vào không khí mùa xuân thống nhất của đất nước.

Trịnh Công Sơn đi thực tế ở công trường thuỷ lợi Thạch Hãn (Quảng Trị) cùng người bạn vong niên - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Để rồi nhạc sĩ cho ra đời những ca khúc mang giai điệu mới, tiết tấu vui vẻ, ca từ hồ hởi như "Em ở nông trường em ra biên giới" với những điệp khúc: "Qua bao mùa em bỗng lớn, đất cho em trái tim nồng nàn, để rồi bàn tay làm lên những mùa vui".

Chính nhờ những cảm nhận mới mẻ này mà qua những ca khúc như "Huyền thoại mẹ", "Em còn nhớ hay em đã quên" hay "Nhớ mùa thu Hà Nội"…, người ta thấy một Trịnh Công Sơn khao khát, cởi mở với đời hơn. Cũng như ông lại yêu đời, yêu người hơn qua từng ca khúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem