Hỗ trợ cao nhất cho lao động nghèo về từ Libya

Thứ ba, ngày 19/07/2011 13:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 18.7, Bộ LĐTBXH có buổi làm việc với ban soạn thảo và Văn phòng Chính phủ về phương án hỗ trợ lao động từ Libya về nước trước khi chính thức đệ trình lên Chính phủ.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà cho biết, Bộ này đang rà soát để trình phương án hỗ trợ lao động trở về từ Libya lên Chính phủ theo hướng đối tượng chính được hỗ trợ là khoảng 5.000 lao động đi Libya dưới 6 tháng. Tuy nhiên, quan điểm của Nhà nước là không để bất cứ ai nghèo đi vì đi XKLĐ nên tất cả lao động, kể cả doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Libya đều được hỗ trợ.

img
Lao động Việt Nam từ Libya về nước tháng 3.2011.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngay sau khi lao động từ Libya về nước, Cục đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp phân loại ngay các đối tượng để tiện cho phương án hỗ trợ. Theo phân loại, có khoảng 5.000 lao động (trên tổng số hơn 10.000 lao động về nước) thuộc diện này. Trong đó, có lao động thuộc 62 huyện nghèo. Đây là đối tượng được hỗ trợ ở mức cao nhất.

Theo phương án mà Bộ LĐTBXH trình Chính phủ, kinh phí dự kiến hỗ trợ có thể lên tới trên 50 tỷ đồng, được lấy từ nguồn Quỹ Hỗ trợ việc làm quốc gia. Lao động trong diện hỗ trợ sẽ chia thành 3 nhóm để hỗ trợ ở mức khác nhau: Nhóm 1 là những người chưa có thu nhập; nhóm 2 có thời gian làm việc dưới 6 tháng và nhóm 3 làm việc trên 6 tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, sau buổi làm việc với ban soạn thảo và Văn phòng Chính phủ, các phương án trong dự thảo đã được góp ý, điều chỉnh một số điểm để chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi phương án được duyệt, lao động từ Libya về nước sẽ nhận được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất có thể.

Trước thông tin về việc phân loại hỗ trợ, ngày 18.7, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lành, quê ở Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An, đã từng được NTNN phản ánh) cho biết: "Tôi mong việc hỗ trợ sẽ rạch ròi và công bằng, nhất là với những lao động bị nợ lương như chúng tôi".

Anh Lành là một trong số 53 lao động bị bà Ngô Minh Huệ - Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động (Công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không) nợ 2 tháng tiền lương. Tổng cộng số tiền lương mà 53 lao động bị chiếm dụng lên tới hàng tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem