Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hoạt động như thế nào?

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 28/05/2021 12:01 PM (GMT+7)
Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, nơi phát sinh chùm ca Covid-19 với con số người nhiễm SARS-CoV-2 tính đến sáng 28/5 là 44 người. Hội thánh này được UBND phường 3 quận Gò Vấp cấp phép hoạt động.
Bình luận 0
Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hoạt động như thế nào? - Ảnh 1.

Hẻm 415 Nguyễn Văn Công đã bị phong tỏa.

Ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ TP.HCM) cho biết việc sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng - nơi vừa phát hiện chùm lây nhiễm Covid-19 - được cấp phép hoạt động. Trên địa bàn TP.HCM có 145 điểm, nhóm sinh hoạt giống như hội thánh này (nhiều hệ phái khác nhau, hoạt động độc lập), nơi đông nhất 200 người.

Theo "Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt Đạo Tin Lành" do UBND phường 3, quận Gò Vấp cấp hồi tháng 10/2006, người đứng tên đại diện Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là ông Phương Văn Tân, người phụ trách và được ủy quyền thay thế là bà Võ Xuân Loan.

Số người tham gia được cho phép là 60 người với các nội dung sinh hoạt tôn giáo gồm: Cầu nguyện, thờ phụng, học kinh thánh, thông công, cúng các ngày lễ, phục sinh, Giáng sinh, thương khó. Hội thánh cầu nguyện và học kinh thánh từ thứ 2 đến thứ 7; cầu nguyện, thờ phụng vào buổi sáng và tối chủ nhật hàng tuần.

Người phụ trách hội thánh cho biết, sau thời gian sinh hoạt, số thành viên giảm dần, hiện còn 28 người. Từ đầu tháng 5 đến nay, nhóm đã sinh hoạt 4 đợt vào các ngày 2/5, 9/5, 16/5 và 23/5. Bốn đợt này có 20 người tham gia, đúng quy định giãn cách của thành phố nhưng trong một địa điểm sinh hoạt chật chội tại căn nhà trong hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp.

Được biết, vào sáng chủ nhật hàng tuần, các hội viên sẽ tập trung tại căn nhà trong hẻm 415 Nguyễn Văn Công để cầu nguyện, làm lễ chính, mỗi buổi thường kéo dài khoảng 3 tiếng.

Tuy nhiên, đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) cho biết, giáo phái truyền giáo Phục Hưng không nằm trong tổ chức nào của Hội thánh.

Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hoạt động như thế nào? - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm người dân trong hẻm 415 Nguyễn Văn Công.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong số các ca bệnh này có 19 trường hợp ghi nhận có triệu chứng, khởi phát sớm nhất bắt đầu từ ngày 13/5.

Thông qua các chỉ số xét nghiệm, ông Dũng đánh giá chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến, do đó mức độ lây nhiễm rất cao, có khả năng mầm bệnh đã xuất hiện trước đây và lây lan trong cộng đồng. "Các trường hợp hội viên cho dù âm tính nhưng vẫn được xem là ca nghi ngờ vì có khả năng đang nhiễm bệnh hoặc đã khỏi bệnh. Hệ thống phòng chống dịch thành phố đang triển khai thực hiện truy vết nhanh, mở rộng bao vây để cắt đứt chuỗi lây nhiễm này, đồng thời điều tra đánh giá nguồn lây nhiễm", ông Dũng khẳng định.

Cùng đánh giá về chuỗi lây nhiễm trên, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) nhận định đây là chuỗi lây nhiễm rất phức tạp bởi các ca được phát hiện khi bệnh nhân đã có triệu chứng và chưa xác định được chủng virus gây bệnh.

"Với một số lượng lớn ca nhiễm phát bệnh trong khoảng thời gian dài như thế, có khả năng dịch đã lây lan nhiều trong cộng đồng. Ngoài ra tính chất sinh hoạt hội nhóm, giao lưu, giao tiếp nhiều cũng là một nguy cơ rất cao. Khi chưa xác định được nguồn lây, buộc chúng ta phải đặt trong tình huống đang đối diện với chủng virus lây lan mạnh nhất, từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ nhất khống chế dịch", BS Hùng nhận định.

Khẳng định mầm bệnh có thể đã lây lan trong cộng đồng, HCDC cảnh báo người dân phải nâng cao cảnh giác, đồng thời tự giác khai báo y tế, nhất là đối với những người có sinh hoạt hoặc liên quan với Hội thánh truyền giáo Phục Hưng mà chưa được chính quyền hoặc cơ quan y tế liên hệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem