Hội tụ tâm linh, bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ hai, ngày 11/04/2011 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lễ hội Đền Hùng được duy trì qua nhiều đời nhờ phong tục, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã có công lao khai phá, hình thành nước Việt cổ. Ngày hôm nay, di sản quý báu này cần được gìn giữ và phát huy.
Bình luận 0

Sáng 12.4 (tức 10.3 âm lịch) - chính hội Đền Hùng năm Tân Mão 2011, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

img
Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ (ngày 8.4).

Nhớ ơn các Vua Hùng

Lễ vật dâng các Vua Hùng có 100 bánh chưng lạt hồng, 100 bánh dày dán chữ "Phúc" màu đỏ, 5 mâm ngũ quả với các thức quả đặc trưng của 3 miền, trầu cau, vòng hoa lớn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước" đặt tại lăng Hùng Vương.

Ban tổ chức cho biết, sau dâng hương là lễ dâng hoa tại bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trong tiếng quân nhạc cử bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và "Người là niềm tin tất thắng".

Một trong những chủ điểm được chú ý nhất trong dịp lễ hội Đền Hùng năm nay là việc cử hành các nghi lễ và tái hiện một số hình thức sinh hoạt trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - vừa được xây dựng hồ sơ, gửi tới UNESCO vào cuối tháng 3 vừa qua đề nghị công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Được biết, UNESCO cũng có sự quan tâm đến tín ngưỡng này của VN. Ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Chủ tịch Hội Sử học Phú Thọ cho biết: "Trong quá trình tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng năm Tân Mão sẽ có đại diện UNESCO tham dự và chứng kiến các hoạt động lễ hội mang tính quần chúng, có số người tham gia đông đảo, ít dân tộc nào trên thế giới hướng về tổ tiên và cội nguồn như dân tộc VN".

Vua ở trong lòng dân

Thờ cúng tổ tiên hay vị vua sáng lập đất nước là tín ngưỡng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng theo PGS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hoá nghệ thuật (Bộ VHTTDL), so với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay khu vực Đông Nam Á thì ở VN, tín ngưỡng thờ Hùng Vương rất đặc biệt về sự liền mạch theo thời gian hàng ngàn năm.

Dấu tích và không gian tồn tại, duy trì tín ngưỡng thờ Hùng Vương có thể được tìm thấy ở 1.417 di tích thờ Hùng Vương, gia quyến và các tướng lĩnh, tập trung chủ yếu quanh vùng Hy Cương và các địa phương phụ cận như TP.Việt Trì, huyện Phù Ninh, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ.

Điều thú vị mà các chuyên gia nhận thấy là không chỉ thờ cúng các Vua Hùng, cũng như các Vua Hùng không chiếm thế độc tôn trong sinh hoạt tín ngưỡng, mà nhân dân còn thờ nhiều danh nhân khác.

Thậm chí, theo PGS Bùi Quang Thanh, người dân còn "bình dân hoá" hình tượng Hùng Vương, đón bài vị ngài về phối thờ cùng bàn thờ tổ tiên của dòng họ mình. Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, tại một số địa bàn còn duy trì nghi thức đón vua về ăn Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem