Lưu thông hàng hoá là tăng sức đề kháng chống dịch

Ngô Chí Tùng Thứ tư, ngày 01/09/2021 10:25 AM (GMT+7)
Covid-19 khiến người dân vốn đã lao đao khốn khổ vì sản xuất ra hàng hoá, nông sản không tiêu thụ được phải đổ bỏ, thì nhiều địa phương lại gây khó thêm cho xe vận chuyển hàng. Khơi thông tiêu thụ hàng hóa chính là “liều thuốc” cần thiết lúc này để tăng sức đề kháng cho dân và cũng là cho nền kinh tế chống dịch.
Bình luận 0

Mấy hôm trước, đứa cháu tôi ở quê gọi điện ra xin viện trợ, nó bảo: "Dịch bệnh kéo dài thế này người nông chúng cháu nợ đến ngập đầu do lợn, gà, hoa màu ở quê đến mùa thu hoạch mà không thể mang đi bán được". Tôi động viên: "Thà ngồi nhà đói chút còn hơn ra đường rồi rước bệnh vào người đến mất mạng" . 

Nó nói như mếu: "Cả xã có khoảng 500 hộ nuôi gà, lợn. Nhà nào ít nhất cũng một,hai nghìn, nhà nào nhiều thì bảy, tám nghìn, thậm chí hơn vạn gà cùng với vài trăm đến vài ngàn con lợn đã quá lứa xuất chuồng gần tháng nay. Dịch bệnh kéo dài, các chợ đóng cửa hết, thương lái không thu mua do không thể lưu thông được, trong khi giá cám lại liên tục tăng cao. Lợn, gà không xuất chuồng được, rớt giá thê thảm, dân không còn tiền mua cám mà các đại lý không bán chịu. Người nông  dân rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Càng nuôi càng lỗ, mà không nuôi thì không nỡ để đàn gà, lợn chết đói". 

Nhìn trên biểu đồ giá cả nông sản thực phẩm trong thời gian gần đây quả thật rất đáng thương cho người chăn nuôi. Giá lợn, giá gà càng ngày càng giảm. Có lúc giá gà công nghiệp tại khu vực phía Nam có lúc giảm xuống còn 5.000 – 7.000 đồng/kg (gà quá trọng lượng) và 7.000-9.000 đồng/kg (gà đúng trọng lượng).

Vì sao giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn bán  với giá cao  gấp 3 – 4 lần giá lợn hơi? Giá trứng cũng tăng vọt có lúc 6.000/quả. Người tiêu dùng vẫn phải mua các mặt hàng nông sản, thực phẩm với giá rất cao trong khi người nông dân lại đang chịu cảnh thua lỗ nặng?  Nghịch lý này đã thể hiện khá rõ sự mất cân bằng trong cán cân cung cầu mà sự nghẽn mạch ở khâu lưu thông hàng hóa chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Giao thông Vận tải  trước đã có rất nhiều doanh nghiệp vận tải hàng nông sản, thực phẩm "tố" với Bộ trưởng Bộ Giao thông về những thủ tục, những rào cản mà một số địa phương đặt ra với danh nghĩa chống dịch để "làm khó" doanh nghiệp.

Lưu thông hàng hoá là tăng sức đề kháng chống dịch - Ảnh 2.

Người dân nhiều địa phương tỉnh Lâm Đồng phải bỏ bỏ rau, đưa lên xe chở đi đổ bỏ do giá bán thấp, chi phí vận chuyển lại quá cao. Ảnh: Văn Long.

Có doanh nghiệp còn cho biết dù xe đã đủ điều kiện phòng chống dịch, đã đăng ký nhưng 2 ngày chưa vào được thành phố Cần Thơ. Trước tình hình đó, người đứng đầu ngành Giao thông đã phải yêu cầu các địa phương phải bãi bỏ ngay những văn bản trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, bỏ "giấy phép con" đồng thời tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa.  

Dịch bệnh đã gây hậu quả rất lớn đến tính mạng, sức khỏe người dân. Nếu phải mua thực phẩm với giá cao, nhiều người nghèo sẽ phải cắt giảm khẩu phần ăn. Không đủ dinh dưỡng cho từng bữa ăn thì cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Trên thực tế, những người nghèo lại là những người lại dễ bị tổn thương nhất đối với bệnh tật. Đối với người chăn nuôi, sản xuất, nếu không tiêu thụ được sản phẩm cũng sẽ dẫn đến thua lỗ, nợ nần, phá sản.

Lưu thông hàng hóa chính là huyết mạch của nền kinh tế. Nó làm cho người sản xuất tiêu thụ được sản phẩm. Nếu mạch máu lưu thông hàng hóa bị nghẽn, sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy sẽ xảy ra cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội. Nó sẽ làm cho sức đề kháng của nền kinh tế trở nên yếu đi.

Chống dịch, Chính phủ và các địa phương  đã có chỉ đạo rất đúng là hạn chế sự di chuyển của người dân nhưng không hạn chế phương tiện lưu thông hàng hóa đặc biệt là nông sản thực phẩm. Tuy nhiên quá trình thực thi giữa các địa bàn, địa phương vẫn còn những điều chưa ăn khớp, nhiều địa phương đòi hỏi những thủ tục giấy tờ khá phức tạp dẫn đến hàng hóa của người nông dân vẫn ùn ứ, không tiêu thụ được.

Dịch bệnh không chỉ đe doạ tính mạng, sức khoẻ con người, mà còn đang làm tổn thương đến sức đề kháng của nền kinh tế với dịch bệnh. Khơi thông việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản, thực phẩm của người nông dân là tăng sức đề kháng cho người dân và cũng chính là cho nền kinh tế chống dịch.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem