Khơi thông giao thông thủy

HỮU KÝ Thứ tư, ngày 12/08/2015 12:50 PM (GMT+7)
Để khai thác tiềm năng loại hình giao thông đường thủy, trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều công trình phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân.
Bình luận 0

Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TP.HCM được phê duyệt, có 87 tuyến đường thủy nội địa, địa phương với tổng chiều dài 574,1km. Tuy nhiên, theo hiện trạng thì trong số đó có đến 57 tuyến không đạt cấp đường thủy nội địa. Do vậy, trong quy hoạch phát triển giao thông thủy thành phố đặt ra mục tiêu cải tạo các sông kênh rạch chưa đạt nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn thành phố.

Phục vụ vận chuyển nông sản

Đại diện Sở GTVT cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch phát triển giao thông thủy đến năm 2020. Trong đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện 7 tuyến đường thủy kết nối với cảng Cát Lái và 3 tuyến kết nối cảng Hiệp Phước. Còn đối với các tuyến đường thủy liên tỉnh (phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận) ngoài các tuyến hiện hữu thành phố thực hiện nạo vét, đầu tư tuyến rạch Bà Ty nối kênh Xáng với kênh Chợ Đệm (Bến Lức, Long An).

img

 Nhiều tuyến giao thông đường thủy của thành phố sẽ được thực hiện để phát triển du lịch và giao thương. Trong ảnh: Thuyền chở vật liệu trên tuyến đường thủy rạch Đỉa, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Hữu Ký

Đặc biệt, với tuyến đường thủy vành đai ngoài thành phố, Sở sẽ thực hiện 2 tuyến giao thông thủy quan trọng để phục vụ vận chuyển nông sản, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đó là tuyến rạch Tra, kết nối sông Sài Gòn với kênh Thầy Cai và tuyến kênh Xáng An Hạ - kênh Xáng Lý Văn Mạnh.

Ông Phan Công Bằng - Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT TP.HCM cho biết, tổng mức đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy đến năm 2020 của thành phố khoảng 6.277 tỷ đồng. Tuy nhiên do thiếu vốn thực hiện nên việc thực hiện phát triển các tuyến giao thông thủy sẽ tiến hành theo thứ tự ưu tiên: Các tuyến có nhu cầu vận tải thuỷ lớn, các tuyến nối kết với các cảng biển mới, các tuyến đường thủy vành đai ngoài và các tuyến kết nối liên tỉnh.

Xóa bỏ rào cản

" Để phát triển giao thông thủy thành phố cần phải nghiên cứu kỹ, nhất là trong việc quy hoạch, xây dựng luồng tuyến. Riêng các tuyến giao thông thủy tại khu vực thành phố nên tập trung vào việc khai thác các tuyến giao thông thủy phục vụ phát triển du lịch. 
Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia về giao thông

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên các tuyến giao thông thủy của thành phố có nhiều cây cầu có độ tĩnh thông thuyền thấp, gây cản trở phát triển giao thông thủy. Chẳng hạn, trên tuyến kênh An Hạ (trên địa bàn huyện Hóc Môn và Bình Chánh) hiện nay còn nhiều cây cầu có độ tĩnh thông thuyền thấp nên chỉ có những thuyền nhỏ ra vào được. Bên cạnh đó, cống An Hạ cũng là một trở ngại khiến các thuyền lớn không thể vào kênh này.

Tương tự, trên các tuyến kênh Xáng An Hạ - Lý Văn Mạnh (Bình Chánh), rạch Tra, rạch Tôm, tuyến rạch Đỉa – rạch Rơi – sông Phú Xuân; tuyến rạch Bà Chiêm – Bà Chùa – Lấp Dầu; tuyến rạch Dơi – sông Kinh; kênh Thầy Cai … cũng còn tồn tại nhiều cây cầu có độ tĩnh thông thấp gây ảnh hưởng đến việc phát triển giao thông thủy.

Ông Phan Công Bằng cho biết, do quá trình lịch sử để lại, hiện nhiều công trình vượt sông không đảm bảo kích thước thông thuyền theo quy định. Trong quy hoạch phát triển giao thông thủy thành phố đến năm 2020, Sở sẽ tập trung cải tạo các cầu trên các tuyến đường thủy để đảm bảo độ tĩnh thông thuyền đạt yêu cầu. Trong đó, chỉ riêng các tuyến giao thông thủy thuộc vành đai ngoài Sở sẽ cải tạo, nâng cấp 13 cây cầu, đồng thời đề xuất tháo dỡ cống An Hạ để thông tuyến giao thông thủy trên kênh này. Bên cạnh đó, đơn vị trên cũng sẽ cải tạo, nâng cấp hàng chục cây cầu khác có độ tĩnh thông thuyền thấp trên các tuyến đường thủy kết nối với các cảng và các tuyến đường thủy lên tỉnh. 

“Việc đầu tư, phát triển hệ thống giao thông thủy sẽ góp phần kết nối các khu vực của thành phố, giúp việc việc vận chuyển hàng hóa nông sản từ các tỉnh miền Tây về thành phố và ngược lại thuận lợi hơn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa là các sản phẩm nông nghiệp (như gạo, phân bón…). Từ đó làm giảm giá thành, tăng cơ hội cạnh tranh cho các mặt hàng là sản phẩm nông nghiệp khi tiêu thụ tại thành phố và xuất khẩu”-ông Bằng nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem