Khủng hoảng Ukraine: Putin quyết 'chơi tất tay' buộc phương Tây phải nhún nhường?

Minh Nhật (theo ABC News) Chủ nhật, ngày 13/02/2022 10:00 AM (GMT+7)
Dù Moscow không ngừng củng cố lực lượng và tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn, Tổng thống Vladimir Putin vẫn chào đón các cuộc đàm phán thêm nữa trong một cuộc chơi đầy tính toán nhằm thuyết phục Washington và các đồng minh chấp nhận các yêu cầu của Nga.
Bình luận 0
Khủng hoảng Ukraine: Putin quyết 'chơi tất tay' buộc phương Tây phải nhún nhường? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin được cho là một người chơi rất tính toán. Ảnh IT

Theo Abcnews, các động thái quân sự của Nga trong vài tháng qua đã khiến phương Tây "nơm nớp" lo sợ rằng Nga có thể sắp tấn công Ukraine - bất chấp Moscow nhiều lần tuyên bố, họ không có kế hoạch làm như vậy nhưng muốn giải quyết các mối quan ngại về an ninh liên quan đến sự mở rộng về phía Đông của NATO.

Nga muốn Mỹ và các đồng minh cam kết không kết nạp Ukraine vào NATO, hạn chế đưa bất kỳ loại vũ khí nào đến gần Nga và đẩy lùi lực lượng liên minh khỏi Đông Âu.

Washington và NATO đã bác bỏ những yêu cầu đó nhưng họ cũng đề nghị thảo luận về các giới hạn có thể có đối với việc triển khai tên lửa, tính minh bạch hơn về các cuộc tập trận quân sự cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin khác.

Với việc bị phương Tây từ chối các yêu cầu quan trọng của mình, Điện Kremlin đã tiếp tục tăng cao áp lực bằng cách thực hiện một loạt các cuộc diễn tập quân sự từ Bắc Băng Dương đến Biển Đen bên cạnh việc điều động hơn 100.000 quân "án binh" gần Ukraine.

Là một phần của cuộc phô trương lực lượng, Moscow đã chuyển các đoàn xe tăng và vũ khí từ Viễn Đông cũng như Siberia tới Belarus để tham gia các cuộc tập trận chung, khiến phương Tây lo ngại rằng Nga có thể sử dụng chúng làm vỏ bọc cho một cuộc tấn công vào nước láng giềng.

Washington và các đồng minh đã đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có trong trường hợp Nga "động binh", bao gồm lệnh cấm giao dịch bằng đồng đô la, các hạn chế hà khắc đối với nhập khẩu công nghệ quan trọng như vi mạch và đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt mới xây dựng của Nga tới Đức.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã triển khai thêm quân đội Mỹ tới Ba Lan, Romania và Đức nhằm thể hiện cam kết của Washington trong việc bảo vệ sườn phía đông của NATO. Mỹ và các đồng minh cũng đã chuyển giao hàng loạt vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Bằng cách tập trung quân có thể tấn công Ukraine từ nhiều hướng, ông Putin đã chứng tỏ sự sẵn sàng leo thang khủng hoảng để đạt được các mục tiêu của mình.

Ben Hodges, người từng là tướng chỉ huy của quân đội Mỹ ở châu Âu và hiện làm việc tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu cho biết: “Putin tỏ ra quá tự tin và thậm chí cho thấy, ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Ông ấy dường như có ý định gây áp lực tối đa lên phương Tây trong cuộc khủng hoảng  này  với hy vọng rằng Ukraine hoặc NATO cuối cùng sẽ nhượng bộ”.

Một số nhà quan sát kỳ vọng ông Putin sẽ gia tăng căng thẳng bằng cách mở rộng phạm vi và khu vực của các cuộc tập trận.

Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại có trụ sở tại Moscow, dự đoán việc phương Tây từ chối thảo luận về các yêu cầu chính của Nga sẽ kích hoạt một đợt leo thang căng thẳng mới.

“Về mặt logic, Nga sẽ cần tăng mức độ căng thẳng. Nếu các mục tiêu đặt ra không đạt được, thì bạn cần phải gia tăng áp lực - trước hết là thông qua biểu dương lực lượng”, ông Lukyanov nói.

Theo đó, ông Lukyanov cho rằng dù xâm lược Ukraine không phải là điều mà ông Putin muốn, nhưng ông có thể thách thức phương Tây bằng những cách khác.

“Toàn bộ kịch bản mà Putin dự tính... không phải là giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng chiến tranh, mà là ép phương Tây vào bàn đàm phán về các nguyên tắc dàn xếp an ninh châu Âu. Và tất cả những gì chúng ta biết về Putin là ông ấy không phải đang chơi bạc. Ông ấy là một người chơi rất tính toán ” ông Lukyanov lưu ý.  

  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem