Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ "kiêng cữ sau sinh" có ngay 270.000 kết quả, đủ thấy lượng thông tin về chuyện kiêng cữ sau sinh trên mạng "không gì là không có". Tuy nhiên, trong hàng ngàn kiến thức trên mạng đó có bao nhiêu là kiến thức đúng, thực hư chuyện kiêng cữ sau sinh như thế nào vẫn còn là dấu hỏi chấm mà ngay cả chính các mẹ đã qua vài lần sinh nở vẫn chưa thể giải đáp.
1. Kiêng vệ sinh thân thế
Kiêng vệ sinh thân thể suốt kỳ ở cữ có thể dẫn đến viêm nhiễm cho cả mẹ và con
Ở nước ta, 10 chị đẻ thì có đến 8 chị kiêng tắm gội cả tháng trời sau khi sinh do các bà, các mẹ mách nước. Nguyên nhân là do cơ thể sản phụ còn yếu, sợ bị khí lạnh nhập vào người dễ dẫn đến cảm lạnh. Quan niệm dân gian này vừa đúng vừa sai. Theo các bác sĩ, vượt cạn rất mất sức đồng thời cũng tiết cực nhiều mồ hôi, sản dịch và tế bào bong ra làm cơ thể rất bức bối, khó chịu. Sản phụ chỉ nên dùng nước ấm để lau người trong 48h đầu, ngay sau đó cần được tắm rửa toàn thân để tránh viêm nhiễm cho cả mẹ và con.
Tuy nhiên cần chú ý khi tắm chỉ nên tắm nhanh bằng nước ấm không quá 20 phút, nên tắm ở phòng kín gió, tránh ngâm mình và tuyệt đối không thụt rửa âm đạo. Nếu gội đầu chỉ nên massage nhẹ nhàng và nên gội riêng, tắm riêng để tránh bị nhiễm lạnh.
2. Kiêng quan hệ vợ chồng
Khi sinh con, cổ tử cung có xu hướng bị giãn rộng ra và chịu rất nhiều tổn thương. Do vậy cả kinh nghiệm dân gian lẫn các chuyên gia sản khoa đều khuyên các cặp vợ chồng không nên quan hệ ngay sau khi sinh nở.
Để được "yêu" trở lại, sản phụ cần ít nhất 6 tuần để hồi phục tùy cơ địa. Tuy nhiên bạn cần chấp nhận sự thực là chất lượng của cuộc yêu sẽ giảm và ham muốn tình dục ở đối tác có thể sẽ không còn như trước. Những mệt mỏi do phải gắng sức quá nhiều sau sinh, chăm con vất vả, mất ngủ, căng thẳng hay cơ thể chảy sệ, kém gợi cảm đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục. Tình trạng này không phải sẽ kéo dài mãi, chị em nên chia sẻ với chồng để được cảm thông và cùng tìm biện pháp khắc phục.
Quan niệm quan hệ với gái đẻ trước 3 tháng 10 ngày sau sinh đem đến đen đủi cho công việc làm ăn chỉ là vấn đề tâm lý, hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Kiêng chuyện vợ chồng quá lâu có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý sản phụ
3. Chuyện ăn uống
Sau sinh sản phụ cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất để nhanh chóng hồi phục và có sữa nuôi con. Do vậy, nếu chỉ ăn canh rau ngót thịt nạc, móng giò hầm đu đủ xanh... trong suốt thời gian ở cữ sẽ làm sản phụ bị chán ăn, cơ thể bị suy nhược, thừa chất béo nhưng lại thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến cả con. Quan niệm ăn thật mặn hay uống nước tiểu trẻ để gọi sữa về là phản khoa học và có thể khiến mẹ mắc phải một số bệnh không đáng có.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, để sức khỏe mẹ nhanh ổn định và có nhiều sữa cho con thì sản phụ cần được bổ sung những thức ăn sau:
Thịt bò, cá, gà: Đây là nguồn cung protein, phốt pho, canxi vô cùng dồi dào lại rất dễ ăn, rất tốt cho cơ thể mẹ.
Rau xanh: khoai lang, mồng tơi, rau ngót, rau đay, đỗ, cà chua, cà rốt... đều là những loại rau phổ biến và lành tính, chứa nhiều vitamin A, C, E, K, các vitamin nhóm B, sắt, chất xơ và nhiều chất khác có lợi cho sức khỏe của mẹ. Đặc biệt các mẹ nên bổ sung thêm nghệ vào danh sách thực phẩm hàng ngày vì nghệ chứa lượng curcurmin rất lớn, có khả năng làm lành vết thương nhanh hơn. Tuy nhiên
Hoa quả: Nên ưu tiên các loại quả lành tính và chứa nhiều vitamin C, A và chất chống oxy hóa như bưởi, thanh long, cam, chuối... Vitamin C giúp mẹ hồi phục nhanh, vitamin A giúp cơ thể sản xuất kháng thể và giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn âm đạo.
Những thức ăn sản phụ nên tránh là đồ ăn có nhiều dầu mỡ, quá cay hoặc nhiều gia vị., không nên ăn đồ ăn tái, sống, nấu chưa chín kỹ và các đồ ăn lạnh.
Nên bổ sung và thay đổi đa dạng các bữa ăn cho sản phụ để đảm bảo dinh dưỡng
Ngoài ra mẹ cũng có thể bổ sung thông qua các chế phẩm nếu kém hấp thu hoặc nguồn thực phẩm không đảm bảo.
Saga (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.