Kinh hoàng cảnh muỗi độc hút máu có một không hai

Thứ sáu, ngày 09/08/2013 06:17 AM (GMT+7)
Các nhà khoa học của Viện Pasteur ở Paris (Pháp) đã sử dụng kính hiển vi ghi lại những khoảnh khắc con muỗi mang ký sinh trùng sốt rét cắn và hút máu một con chuột bị gây tê.
Bình luận 0
Valerie Choumet-Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Một số người, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á, bị muỗi đốt vài lần mỗi ngày. Chúng tôi muốn biết muỗi có phản ứng thế nào khi đốt động vật đã được tiêm chủng chống lại chúng."
Muỗi đang hút máu. Ảnh: Dailymail.
Muỗi đang hút máu. Ảnh: Dailymail.

Để làm điều này, nhóm nghiên cứu cho muỗi đốt những con chuột đã được tiêm phòng với kháng thể nhận ra nước bọt của muỗi.

Choumet phát hiện ra, cái vòi của con muỗi (phần miệng) vô cùng linh hoạt, có thể điều chỉnh góc độ. Ngoài ra, khi một con muỗi cắn, nó không chỉ hút máu mà còn thăm dò khu vực dưới da để tìm mạch máu.

Những khối màu trắng hình thành ở đầu phần miệng thăm dò của muỗi cho thấy kháng thể phản ứng với nước bọt của muỗi khi nó cắn nạn nhân. Các khối này làm tắc các mạch máu nhỏ nhưng không ngăn chặn được muỗi hút máu. Thay vào đó, nó khiến muỗi phải thăm dò lớp da lâu hơn để tìm thấy các mạch máu lớn hơn.

James Logan ở Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới (London, Anh), cho hay: "Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các cảnh quay. Các sách nói rằng, phần miệng của muỗi dễ dàng biến đổi bên trong da, nhưng thật là tuyệt vời khi thực sự nhìn điều đó. Mọi người thường nghĩ cái vòi phải cứng như cây kim để có thể chọc vào da nhưng thực tế nó rất linh hoạt. Sự kỳ diệu của cơ thể côn trùng không bao giờ khiến tôi hết ngạc nhiên."

Trung bình mỗi lần đốt của muỗi kéo dài trong bốn phút. Choumet có thể nhìn thấy các tế bào máu đỏ đổ xô lên phần miệng của muỗi thông qua kính hiển vi hiện đại. Chúng hút mạnh đến nỗi các mạch máu bắt đầu sụp đổ. Một số tế bào bị vỡ, máu tràn ra xung quanh. Khi đó, muỗi thường vội vàng uống máu từ vũng máu vừa tạo ra trong vài giây.

Không đơn giản giống như chiếc kim mà nhiều người tưởng tượng, phần miệng của muỗi là tập hợp các bộ máy phức tạp. Dưới kính hiển vi, cái "vòi" trông giống như một mảnh dài hẹp thon lại tại một điểm ở đầu. Chúng thanh mảnh hơn cả tóc người!

ads
Vòi của muỗi nhìn dưới kính hiển vi. Ảnh: Dailymail

Muỗi mang vi khuẩn sốt rét còn dành nhiều thời gian hơn để thăm dò xung quanh tìm mạch máu. Điều này cho thấy ký sinh trùng sốt rét có thể kiểm soát hệ thần kinh của con vật.

Hàng giờ sau khi muỗi đốt, các nhà khoa học tìm thấy trùng sốt rét ở những nơi có nước bọt muỗi trên da của nạn nhân. Muỗi bắt đầu tiết nước bọt ngay sau khi thăm dò da của chuột, giải phóng các chất ngăn mạch máu co thắt, ngăn chặn máu đông và ngăn ngừa viêm nhiễm.

Những phát hiện này có giá trị rất lớn đối với các hoạt động trong tương lai của nhóm nghiên cứu. Các cảnh quay có thể hỗ trợ các nhà khoa học hiểu biết tốt hơn về cách muỗi đốt và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sốt rét.

Tuấn Anh (Theo Dailymail) (Tuấn Anh (Theo Dailymail))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem