Còn người thuê thì còn làm
Dọc tuyến dường An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội), suốt từ cửa khẩu An Dương Vương tới chợ hoa Quảng An, hàng chục tốp người đứng ngồi chờ việc. Cứ thấy chiếc xe máy nào tạt qua là họ lại nhanh chân chạy với theo hỏi có cần người làm không.
Đang ngồi co ro tại cửa khẩu An Dương Vương, chị Hà Thị Lợi (Đan Phượng, Hà Nội) thấy phóng viên dừng xe thì mời chào: “Chị cần người làm gì, cần chở xe đào thì để tôi gọi chồng tôi, còn lau dọn, bê đồ, chuyển nhà thì tôi nhận làm luôn”.
Chị Lợi cho biết, vợ chồng chị lên đây làm thuê đã được 2 tuần. Trước đó, công việc thưa thớt, ngày có ngày không. Gần đây, cận Tết nhu cầu chuyên chở cây cảnh, đào, quất và dọn nhà tăng cao, vợ chồng chị mới có việc đều.
Mưu sinh ngày giáp Tết. (ảnh chụp tại chợ Long Biên, Hà Nội). ảnh: Minh Nguyệt
Ngày tết, chồng tôi không chở xe ôm mà chỉ nhận chở cây cảnh, cành đào, quất thôi. Chuyến nào cây bé thì được 200.000 đồng, cây to, hàng cồng kềnh thì được 300.000 đồng. Tính ra còn cao gấp 2-3 lần tiền chở xe ôm. Mỗi ngày chồng tôi cũng chở được 5-6 chuyến” – chị Lợi kể.
Riêng chị Lợi, mỗi ngày cũng nhận thêm được 2-3 lượt thuê dọn nhà. Tùy từng công việc nặng nhọc, nhà to, nhà bé mà chị tính tiền với giá khác nhau. Tuy nhiên, thường nếu khách thuê trọn ngày công thì phải trả 500.000 đồng. Còn nếu chỉ dọn nửa ngày thì khoảng 300.000 đồng.
“Vợ chồng tôi còn làm ở đây tới 30 tết. Nhà trọ gần nên sáng đi chiều về, tối tranh thủ đi mua đồ, sắm tết. Cả năm có mấy ngày tết mới kiếm được chút tiền chứ làm nông nghiệp cả năm chẳng đủ nuôi con ăn học lấy đâu tiền tiêu pha. Thế nên còn người thuê là còn ở lại làm” – chị Lợi nói.
Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Tý (Hà Nam) cũng đang tất bật bán hàng cho khách. Vợ chồng anh đóng thuế kiếm một góc nhỏ để buôn bán hoa quả. Cận Tết, đông người thuê chở đào quất, dọn nhà, bốc vác nên vợ chồng anh cũng tranh thủ làm thêm. “So với nghề buôn bán hoa quả, nghề chở đào quất hay dọn nhà kiếm được bộn tiền. Có khi làm 3 ngày tết còn bằng tôi bán hoa quả cả tháng. Thế nên, ngồi đây ai thuê gì thì làm nấy, hai vợ trồng thay phiên nhau đi làm thêm” – anh Tý nói.
Trắng đêm bốc hàng
Ngoài những ông chủ buôn bán cần người bốc vác, dọn nhà, trở đồ thuê… nhiều nhà hàng, quán ăn, siêu thị cũng đang cần tuyển lao động thời vụ để phục vụ nhu cầu hoạt động trong tết. Giá tiền công cho một lao động chân tay hiện nay tầm 500.000-700.000 đồng/ngày. Với lao động chạy xe chở đào quất, cây cảnh một ngày họ có thể kiếm được từ 1-2 triệu đồng.
|
11 giờ đêm, khi thời tiết đang rét căm căm, hàng chục toán thợ bốc vác ở chợ hoa Quảng An vẫn còn đang ngồi uống nước chè chờ khách.
Anh Đỗ Đình Anh (22 tuổi quê Thanh Hóa) cho biết, anh cùng nhóm bạn đang chờ để bốc hàng thuê cho chủ. Giá công cho mỗi chuyến từ 700.000 tới 1 triệu đồng/xe tải 5 tấn. Tuy nhiên, phải có khoảng 5- 10 lao động mới bốc dỡ hết được xe hàng này. Tính ra mỗi người cũng chỉ được 100.000-200.000 đồng. Thế nhưng, một tối những lao động này có thể bốc được 10 xe hàng. Như vậy, mỗi người cũng có thể thu được tiền triệu chỉ trong vòng một tối.
Anh Nguyễn Văn Tiến - một khách buôn hoa từ Phủ Lý, Hà Nam đến mua hoa tại chợ hoa Quảng An. Mặc dù đã chọn mua được hai thùng hoa ly và 500 bó hoa cúc vàng nhưng hiện tại chưa tìm được người bốc hàng ra xe.
“Mất cả tối mới chọn được ít hoa ưng ý, nhưng những ngày này thuê lao động bốc vác, vận chuyển còn khó hơn tìm vàng. Nhiều người thuê nên lao động rất chảnh, hét giá trên trời. Gọi ông xe ôm kêu chở hoa ra bến xe Giáp Bát mà ông ấy bảo 400.000 đồng/chuyến. Nghe xong tôi choáng, giá còn đắt hơn cả giá đi taxi” – anh Tiến phàn nàn.
Vì giá quá đắt nên anh Tiến đành vận động mấy đứa cháu đi học gần đó ra chở hộ tới bến xe để vận chuyển về quê, kịp bán hoa tết.
Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) không khí cũng nhộn nhịp không kém chợ hoa. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ quả ngày càng nhiều đợt tết, từ 1 tháng nay ở đây đã tấp nập bán – buôn.
“Tôi bốc vác cả năm ở chợ này, nhưng cận tết này làm không hết việc. Gia đình ở quê (Hải Hậu, Nam Định) đang gọi về lo tết rồi nhưng thấy việc nhiều, giá tiền công lại cao nên cố nốt mấy ngày nữa” – anh Nguyễn Thanh Mạnh cho hay.
Cũng theo anh Mạnh, cách đây 1 tuần có rất nhiều lao động nhận bốc hàng thuê, chở hàng… ở chợ. Tuy nhiên, ngày cận tết, nhiều lao động về quê lo đón tết nên rất khó để thuê được lao động. “Có khách còn mạnh tay trả 500.000-600.000 đồng/ngày công bốc hàng mà không thuê được người. Chúng tôi giờ chỉ ưu tiên làm cho khách quen, bởi ngoài tiền công hàng ngày, nếu làm tốt khách còn hào phóng bo cho suất ăn đêm và thêm vài trăm nghìn về quê ăn tết” – anh Mạnh nói. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.