Lễ chơi hoa, cầu đôi lứa nên duyên của người Mường

Thứ tư, ngày 29/01/2014 08:01 AM (GMT+7)
Pồn Pôông là lễ thưởng hoa, chơi hoa, thường được tổ chức vào mùa Xuân. Lễ hội bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước” của người Mường.
Bình luận 0
Pồn Pôông là lễ hội có từ xa xưa mang đậm bản sắc văn hoá Mường. Tổ chức lễ hội Pồn Pôông, người Mường mong muốn mùa màng bội thu, bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Lễ hội thường tổ chức từ tối đến sáng và kéo dài đến 2, 3 ngày.

Theo quan niệm của người Mường, đây là lễ hội cầu chúc cho mối tình chung thuỷ của Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm- Bồng Hương, Út Lót- Hồ Liên, để họ có dịp về Mường vui vầy cùng dân bản. Đây là các nhân vật trong 4 truyện tình nổi tiếng của người Mường.
img

Chủ của buổi lễ là Ậu máy. Nhân vật Ậu máy phải là người có uy tín trong làng và phải được truyền nghề từ một Ậu máy đi trước. Ậu máy vừa là thầy cúng, vừa là người bốc thuốc chữa bệnh trong làng.

Lễ hội Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò. Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hoá tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội gồm 42 trò đặc sắc, như: Trò chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, chọi trâu, chọi gà, làm cơm mời Mường... Các nhân vật tham gia lễ hội múa những điệu múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, vui chơi hàng ngày.

Cây bông - vật trung tâm trong lễ hội là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Trên cây bông bằng tre cao 3m treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng và các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất, những thành quả sáng tạo của con người... tượng trưng cho ấm no thịnh vượng.

Cây bông này chỉ có Ậu máy mới làm được và truyền lại cho con cháu hoặc một vài người khéo tay trong bản Mường. Tuỳ theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây bông có nhiều tầng hay ít, cao nhất là 12 tầng. Bên cạnh cây bông là bàn để rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp tết lễ như canh uôi, canh đắng.

Trong lễ hội, Ậu máy có vai trò như thầy cúng, là người kể lại giai thoại sinh ra trời đất, lập bản Mường..., thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng Xuân để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu...

Ậu máy kể bằng văn vần như trong lễ diễn xướng dân gian, vừa kể vừa nhảy múa rất linh hoạt. Sau phần lễ của Ậu máy, mọi mgười múa hát giao duyên, họ hát lên bài ca hẹn ước, dặn dò rồi thổ lộ nỗi lòng. Qua các bài hát tâm tình, trao hoa, có đôi trai gái đã phải lòng nhau và thề nguyền vàng đá, nhiều đôi nên vợ nên chồng sau mỗi độ Xuân về.
Cinet (Theo Cinet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem