Lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chủ nhật, ngày 14/08/2011 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Việc tăng lương một mặt chúng ta phải đảm bảo đời sống cho người lao động, mặt khác phải đảm bảo không gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân trao đổi.
Bình luận 0
img
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân

Trước khi đưa ra phương án mức lương tối thiểu trong các loại hình DN, Bộ LĐTBXH có tính toán, nghiên cứu đến tác động của lương đến lao động và doanh nghiệp?

- Tất nhiên phải có tính toán. Quan trọng nhất là mức lương có đảm bảo cuộc sống của người lao động hay không. Còn DN, với mức độ tăng đầu vào có chịu đựng được không. Nhìn chung, chúng tôi lo cho các DN yếu, còn DN “khỏe mạnh” chắc sẽ không vấn đề gì.

Ví dụ, ngành may mặc, giày da sử dụng hàng ngàn lao động, chắc chắn sẽ khó khăn. Khi đầu vào càng tăng, đầu ra không tăng, DN chỉ còn cách co hoạt động, lợi nhuận giảm đi hoặc lỗ. Nhưng, tôi xin nói rằng, việc tăng lương cho người lao động là cần thiết.

Hơn ai hết, chính người sử dụng lao động phải quan tâm đến đời sống người lao động. Nếu DN không quan tâm đến người lao động, đến một lúc nào đó họ sẽ rời bỏ DN. Lúc đó khó khăn của DN sẽ thêm nặng nề.

Thực ra, nếu điều chỉnh lương tối thiểu lên 2 triệu đồng/tháng, tăng 100.000 đồng/tháng so với trước sẽ không quá gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc nhiều DN kêu ca vì tăng lương là hơi quá?

- Vậy thì phải hỏi DN. Nhưng, theo tôi, DN sử dụng vài chục hay vài trăm lao động có thể không khó, nhưng DN sử dụng vài ngàn, vài chục ngàn lao động là cả một vấn đề. Tất cả mọi động thái điều chỉnh lương của nhà nước đều ảnh hưởng đến DN.

Thưa ông, việc tăng lương là điều cần thực hiện trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay. Nhưng, việc tăng lương cũng tạo áp lực lên DN, làm DN không mạnh dạn thu nhận lao động và điều này khiến tình trạng thất nghiệp tăng cao?

- Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN đang gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh. Nếu buộc phải tăng lương cho người lao động, chắc chắn sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN. Chúng tôi không loại trừ trường hợp một số DN sẽ ít tiếp nhận lao động. Ngay từ bây giờ, DN sẽ phải tính toán xem khả năng tạo việc làm, có tuyển mới người lao động không... Nói chung, cơ hội tìm việc làm của người lao động có thể sẽ khó khăn hơn trước.

Có ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ thông qua mức lương tối thiểu như Bộ LĐTBXH trình vẫn chưa đủ bù lại tình trạng giá cả đã tăng cao và đang leo thang hiện nay?

- Việc tăng lương một mặt chúng ta phải đảm bảo đời sống cho người lao động, mặt khác phải đảm bảo không gây khó dễ cho hoạt động của DN. Khác với lương công chức, Chính phủ phải bỏ tiền ra, còn lương trong khối DN thì phải tính đến khả năng chịu đựng của DN. Các tập đoàn, DN sử dụng lao động chất lượng cao thực sự họ đâu quan tâm nhiều tới lương tối thiểu. Nhưng với DN vừa và nhỏ thì gánh nặng trả lương rất cao. Điều này chúng ta phải tính toán.

Bên cạnh đó, trong điều kiện “bão” giá như hiện nay, khi mức lương tối thiểu nâng lên đồng nghĩa với việc đời sống người lao động sẽ được bảo đảm hơn. Do đó, tăng ít hay tăng nhiều vẫn phải tăng. Chính phủ sẽ tích cực tăng cường các giải pháp bình ổn giá, chống đầu cơ để hạn chế tác động đến người lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem