Lời bào chữa vô cảm

Nguyễn Quang Thân Thứ năm, ngày 22/12/2016 07:35 AM (GMT+7)
Mới đây thôi, có một tiến sĩ còn cho rằng "hồ thủy điện chỉ là nơi nước trời mượn đường chảy qua về hạ lưu". Nhưng dư luận cho đó là một lời bào chữa "vô cảm".
Bình luận 0

Miền Trung - sau sự cố môi trường là bão lụt sớm, muộn, rải đều không sót tỉnh nào và kéo dài như chưa từng xẩy ra. Vừa thiên tai lại vừa nhân tai. Chắc không ai còn nghi ngờ cái bóng ma "biến đổi khí hậu" chực chờ lâu nay, không còn nguy cơ mà nó đã sồng sộc đến. Cũng không ai lấp liếm được những lời cảnh báo không ngừng: chớ "đổi môi trường lấy lợi nhuận", chớ tàn phá rừng và thiên nhiên vì những lợi ích thiển cận trước mắt.

Hơn hai trăm đồng bào chết hoặc mất tích trong bão lụt, hàng chục ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi hoặc chìm ngập hư hỏng. râu bò lợn gà, cá trong ao bị trôi theo dòng nước lũ phũ phàng. Khoai lúa, vườn tược trù phú hái ra tiền, những cánh đồng lúa chín chưa kịp gặt...biến mất trong nước. Cả khúc ruột miền Trung từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận nối tiếp nhau hoặc cùng lúc oằn người lên, gồng mình lên chống lại tai ương. Không chỉ nông dân, ngư dân mà cả người thành thị, hệ thống du lịch, thương mại cũng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu nạn.

img

Lũ chồng lũ tại miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề

Tai ương này hiếm khi xảy ra, đau thương này là nghiêm trọng, to lớn với một miền đất nghèo. Nhưng miền Trung đã rẽ nước đứng lên. Đau nhưng không bi lụy. Hình ảnh một con bò bị treo đầu lên vật lộn với nước lũ cũng dậy sóng trên mạng và hàng triệu người mừng rỡ khi biết nó được cứu sống. Với sự chia lửa và tình thương yêu của cả nước và nỗ lực của địa phương, cuộc sống và sản xuất nông nghiệp đang nhanh chóng trở lại trong làng mạc và trên những cánh đồng chỉ mới lộ ra dưới làn nước lũ lạnh lùng vừa mới rút. Miền Trung là thế. Nơi thiên nhiên đẹp vô cùng nhưng cũng khắc nghiệt vô cùng, nơi con người là hiện thân của sự can trường và nghị lực hiếm thấy. Người miền Trung đã tự cứu lấy mình, với phương châm "tại chỗ", mọi sự cứu trợ đều đáng quý nhưng không gì so sánh được với nội lực của chính người dân.

Dù chúng ta đang sống trong một nền văn minh có những bước đột phá to lớn về kỹ thuật nhưng hãy còn rất, rất lâu nữa con người mới có thể dự báo chính xác thiên tai dài hạn để đề phòng, chưa nói tới khắc phục hay chống lại thiên nhiên và những lưỡi hái của nó như động đất, bão lụt. Hãy canh chừng ảo tưởng quá lố.

Gió mưa là bệnh của trời. Nhưng con người cũng góp phần không nhỏ, có lúc, có nơi con người không những tiếp tay mà còn là thủ phạm chính gây ra tai ương. Sai lầm có thể vô tình, cũng có thể lóa mắt vì tham lam mà quên bảo vệ cái nôi, cũng có thể do dốt nát, kém hiểu biết về bản thân mình và môi trường mình đang sống. Con người đã từng gây ra nhiều đại nạn cho chính mình mà không chờ trời. Vụ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở xứ Nga ba mươi năm sau vẫn còn nóng bỏng là một dẫn chứng.

img

Người dân miền Trung vật lộn với lũ dữ

Rõ ràng là con người cũng không thể vô can trong thiên tai Miền Trung. Thói tục đốt rừng làm rẫy và nhu cầu gỗ của một xã hội tiêu dùng vô hạn độ cùng lợi nhuận do rừng mang lại đã ngốn mỗi năm hàng chục ngàn ha rừng, kể cả rừng nguyên sinh đầu nguồn. Nếu có rừng đại ngàn, mỗi giọt nước mưa rơi xuống sẽ ngấm  vào đất hoặc phải len lỏi qua tán rừng, rễ cây rừng mất hàng tháng trời mới đến hạ lưu góp vào biển lũ. Khi rừng bị phá trụi, miền hạ lưu phải đối mặt ngay tức thì với những cơn mưa tận đầu nguồn!

Nếu rừng bị chặt phá biến lưu vực các con sông thành đất trống thì các hồ thủy điện được xây dựng khá nhiều ở miền Trung đã góp lũ không kém. Ngay các nhà khoa học cũng chưa thống nhất về vai trò của thủy điện đối với lũ lụt. Mới đây thôi, có một tiến sĩ cho rằng "hồ thủy điện chỉ là nơi nước trời mượn đường chảy qua về hạ lưu". Nhưng dư luận cho đó là một lời bào chữa " thừa vô cảm". Cảnh dân chúng tao tác vơ quét đồ đạc, lương thực chạy lụt ngay sau khi hồ thủy điện xả lũ là một kiểu mô hình thực tế không lý luận, học thuyết nào có thể bào chữa được. Nước được trữ lại để làm ra lợi nhuận cho nhà đầu tư đã được sổ lồng trong một thời gian ngắn, gây ra những đợt lũ cục bộ bất ngờ. Thường muốn kết luận thủy điện tác động lên môi trường như thế nào khi xả lũ thì phải làm mô hình kỹ thuật trước khi xây dựng. Nhưng đó là chuyện nước người. Nước mình ĐTM (đánh giá tác động môi trường) như ở dự án thủy điện Đồng Nai I và II (đã bị xóa bỏ) được chép lại từ một dự án trước đó! Với hàng trăm hồ thủy điện xả lũ để cứu đập nước vừa qua, miền Trung đã phải trả giá là một thực tế khó chối cãi.

Cơn ác mộng năm nay có thể đã qua. Nhưng mùa mưa năm tới cũng không xa gì. Miền Trung quặn đau đang trụ lại để đứng vững chờ những trận bão lũ mới. Năm nay khắc nghiệt nhưng chỉ là một năm gian truân trong lịch sử một miền Trung gian truân chưa có điểm dừng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem