Dạy nghề cho lao động nông thôn Hải Phòng

Thứ năm, ngày 28/10/2010 17:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông dân bỏ học nhiều, không xoay xở được vốn chuyển đổi sản xuất sau khi học nghề... khiến lớp học nghề khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Bình luận 0

Bài cuối: Còn nhiều vướng mắc

Bà cháu cùng đi học

Đây là buổi học thứ hai của khóa học 3 tháng tại nhà văn hoá thôn Hoàng Lâu nhưng lớp học vắng tới non nửa. Trong số đó có nhiều người đi học kiểu tranh thủ như bà Nguyễn Thị Chong.

img
Lớp học có cả những em bé vài tuổi.

Vừa học, bà vừa tranh thủ vỗ về đứa cháu nội 9 tháng tuổi rồi thì thào với tôi: “Phải nỗi lớp học vào đúng mùa gặt và làm đất chuyển nhanh sang vụ đông cô ạ. Lớp có 74 người nhưng có đi đủ được đâu. Nếu lớp mở vào hai tháng trước chắc hội trường này chật hết”. Cháu theo bà đi học trồng lúa làm lớp học thêm đặc biệt bởi tiếng bi bô của bé Vân.

Lớp học này ồn ào hẳn lên mỗi lúc có từ khó nào đó về giống lúa, thuốc thú y. Bác Nguyễn Thị Từ chia sẻ: “Chúng tôi đều già rồi, giờ không có doanh nghiệp nào nhận cả, chỉ biết học cách làm hiệu quả hơn trên đồng đất của mình thôi.

Thực sự chúng tôi rất phấn khởi khi được nhà nước quan tâm cho sách vở, bút viết nhưng phải nỗi mấy chục năm quen cầm cày cầm cuốc nên lúc cầm bút viết cứng lắm, chữ nguệch ngoạc, không theo kịp lời thầy đọc nữa, cứ phải ghé sang bà ngồi bên chép lại bài, có giống lúa tên tiếng Anh, tôi phải nhìn ghi từng chữ một cho đúng”.

Bà Vũ Thị Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong thừa nhận, tiếng là nông dân ven thành phố nhưng trình độ của bà con còn thấp, thậm chí có bác chỉ biết viết tên mình nên ngày đầu dạy lý thuyết tương đối vất vả. Mỗi người một việc, 8 giờ học thì phải 8 rưỡi lớp mới bắt đầu...

Khó vay vốn làm ăn lớn

 Ông Tống Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề An Dương khẳng định: Trước mắt chỉ là đào tạo nghề chuyển đổi tại chỗ cho nông dân, phấn đấu 70-80% lao động nông thôn học nghề có việc làm và tạo được việc làm từ nghề mà mình đã học, còn chưa có hướng gắn sản xuất hàng hóa với thị trường… Nhưng khi người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chắc chắn thị trường sẽ đón nhận.

Dù học viên còn học “ngang ngửa” nhưng những lớp học này thực sự hữu ích bởi nhu cầu thực phẩm ở khu vực này rất lớn. Bà Vũ Thị Thắm cho biết, rau sạch, lợn sạch sẽ được các nhà máy, khu công nghiệp đăng ký tiêu thụ, chỉ sợ bà con không sản xuất kịp, không có rau sạch… đáp ứng nhu cầu.

UBND xã Hồng Phong cũng vừa tổ chức đi tham quan mô hình trang trại gà và lợn của Công ty Lượng Huệ. “Nếu sau này học nghề xong, bà con được kết hợp hỗ trợ vốn và đầu ra từ công ty này thì phong trào phát triển sản xuất làm giàu của bà con là rất cao. Còn đầu ra cụ thể, hướng và gắn sản xuất hàng hóa nông phẩm với thị trường vẫn là một khó khăn lớn với xã”- bà Thắm chia sẻ.

Được biết, Công ty Lượng Huệ đã và đang xây dựng một hệ thống vệ tinh các trang trại gà và lợn trong các hộ dân trong xã và huyện. Cụ thể là các hộ dân sẽ mở các trang trại gà, lợn nuôi theo công nghệ sạch và cung cấp cho Công ty Lượng Huệ.

Tuy nhiên, trước mắt, bà con phải học nghề để có kiến thức sản xuất thì mới dám khẳng định được sản phẩm nông sản đạt chất lượng và mới có đầu ra vững vàng. Dù vậy, bà con rất lo lắng về vốn đầu tư. Bà Nguyễn Thị Chiện, nông dân xã Hồng Phong cho biết dự định của bà sau khoá học là sẽ mở trang trại gà, làm vệ tinh cho Công ty Lượng Huệ: “Nhưng vốn đầu tư ban đầu tính sơ cũng cả trăm triệu đồng, chúng tôi khó lo nổi”.

Ngồi học bên cạnh bà Chiện, bà Nguyễn Thị Mong phân vân: “Học xong nghề rồi mà không có vốn thì chúng tôi cũng chỉ dám sản xuất nhỏ lẻ, chắc không hơn trước là mấy đâu. Chỉ mong nhà nước cho học nghề và hỗ trợ vốn phát triển sản xuất nữa thì mới đạt hiệu quả tốt nhất”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem