Phóng sự điều tra: Luật ngầm ở “chợ đuổi” Xuân La (Hà Nội)
Nhóm phóng viên
Thứ tư, ngày 28/09/2022 06:49 AM (GMT+7)
PV Dân Việt trong vai các tiểu thương đã thâm nhập một chợ cóc tại phường Xuân La (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) để tận thấy “luật ngầm” tiểu thương phải tuân theo, nếu muốn buôn bán trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Cơ quan chức năng ở TP Hà Nội không ít lần tổ chức ra quân rầm rộ để lập lại trật tự đường phố, trong đó có việc dẹp chợ cóc, buôn bán vỉa hè: đòi lại lòng đường cho phương tiện giao thông, vỉa hè cho người đi bộ. Thế nhưng, sau các đợt ra quân rầm rộ, chợ cóc vẫn tồn tại.
Sau một thời gian tìm hiểu tại chợ cóc ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, PV Dân Việt đã phát hiện ra có "luật ngầm" để tiểu thương tràn ra vỉa hè, lòng đường bán hàng, mất mỹ quan đô thị.
Người đưa ra “luật ngầm”, thật bất ngờ, chính là một số người được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự đô thị.
(Những nhân vật tiểu thương trong bài viết đã được thay đổi tên để đảm bảo yêu cầu giữ bí mật nhân thân).
Dấu hiệu "thu phế" để chợ cóc tồn tại giữa Hà Nội
Bài 1: Đếm ô gạch vỉa hè thu tiền
Vừa đặt xong thùng hàng xuống vỉa hè ngõ 28 Xuân La (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội), chưa ngồi ấm chỗ chúng tôi đã được các tiểu thương khác cảnh báo sẽ phải "làm luật".
Tại ngõ 28 Xuân La, hiện có một khu Chợ tạm Xuân La để các tiểu thương buôn bán trong khi chờ dự án chợ Xuân La được triển khai. Gọi là ngõ nhưng ngõ này rất rộng, nối ra đường Xuân La, gần đường Lạc Long Quân, lưu lượng người qua lại rất đông.
Chợ Xuân La được coi là khu chợ chính của phường Xuân La, quận Tây Hồ, phục vụ cho người dân trong địa bàn và các khu vực phụ cận. Khu chợ tạm Xuân La có diện tích khá khiêm tốn, nên để bán hàng nhiều tiểu thương tràn ra cả vỉa hè, lòng đường để mời chào khách.
Qua đường dây nóng của Báo Điện tử Dân Việt, người dân sinh sống trong khu vực phản ánh có hiện tượng tiểu thương phải nộp tiền cho một số người để được buôn bán trên vỉa hè, lòng đường ở ngõ 28 Xuân La. Nhóm PV Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu.
Cuối tháng 7/2022, nhóm PV Dân Việt ôm thùng, ôm mẹt đến “xin một chân” buôn bán ở khu chợ này. Khu Chợ tạm Xuân La tất nhiên đã kín chỗ từ lâu, chỉ còn chỗ trên vỉa hè dành cho người đi bộ là còn trống. Nhưng những chỗ trống này nhanh chóng được lấp đầy bởi các tiểu thương không có chỗ trong chợ tạm.
Từ 4 giờ sáng, chúng tôi qua chợ đầu mối Long Biên “đánh hàng” để kịp sáng sớm có mặt tại ngõ 28 Xuân La.
7 giờ sáng, ngõ 28 Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) rộn tiếng còi của lực lượng chức năng phường Xuân La “… tuýt… tuýt… tuýt …”, kèm theo tiếng loa gay gắt: “Hàng rau di chuyển đi, hàng hoa gọn vào trong”. Đi cùng chiếc xe tải nhỏ của Công an phường Xuân La, là các thành viên Tổ Tự quản trật tự đô thị (Tổ Tự quản trật tự).
Nghe tiếng còi, bà Lan ôm mẹt rau để trên vỉa hè dáo dác chạy, chen lấn với dòng người, trốn nhanh vào ngõ nhỏ gần đó. Cùng với bà Lan, “những người chạy chợ” đang ngồi kín vỉa hè túa ra khắp nơi.
Sau khi tiểu thương dọn gọn đồ vào một góc vỉa hè, chạy len vào các ngõ nhỏ, lực lượng chức năng vẫn kiên quyết thúc còi giục giã, yêu cầu tiểu thương dắt xe ra khỏi vỉa hè, dọn hết đồ đạc để trả lại mặt bằng.
Một thành viên Tổ tự quản trật tự giao thông đô thị cầm còi thổi liên hồi yêu cầu các tiểu thương phải di chuyển ngay trả lại vỉa hè, lòng đường. “Không dọn nhanh là bốc hết lên xe …có dọn đi không” - thành viên Tổ Tự quản trật tự yêu cầu.
Không chạy được nhanh như hàng rau, một thanh niên bán cam bị lực lượng chức năng giữ lại. Một người đàn ông bán cá đang dở tay làm cá cho khách không kịp dọn cũng bị “hỏi thăm”.
“Bốc xe về phường… không thấy tao vừa lấy nước dội rồi đây à. Không dọn nhanh thì mai bán chỗ khác”, một thành viên Tổ Tự quản trật tự gay gắt. Một người khác cũng ở Tổ Tự quản tiếp lời, nhưng nhẹ nhàng hơn: “Dọn nhanh đi”.
Chúng tôi cũng ôm thùng hàng chạy theo bà Lan. Bà ngồi bệt xuống vỉa hè trong con ngách nhỏ vừa thở dốc, vừa nói: “Việc của họ là đuổi, việc của mình là chạy. Đuổi cứ đuổi, bán cứ bán, chạy vẫn cứ chạy”.
Những người chạy chợ tranh thủ như bà Lan dường như đã quen với cảnh này. Buôn bán hàng gì cũng vậy: rau, tôm, cá, gà, vịt, … cứ sáng ra nghe tiếng còi là ôm hàng chạy thật nhanh, khi lực lượng chức năng đi lại tràn ra vỉa hè, lòng đường.
Sau nhiều ngày “buôn bán” ở chợ đuổi, PV nhận thấy Tổ Tự quản trật tự gồm 3 thành viên. Tổ trưởng là người đàn ông có tên là Nguyễn Đình Vệ, hai người còn lại là Thành và Cường.
Dự án “Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La” tại phường Xuân La được UBND quận Tây Hồ phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 4/7/2008, đơn vị trúng thầu là Công ty Sông Hồng. Dự án Chợ Xuân La có diện tích hơn 0,2ha, tổng mức đầu tư dự kiến 380 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án còn nhiều vướng mắc, chưa được triển khai.
Phải đóng luật mới được bán
Theo kinh nghiệm của những tiểu thương lấn chiếm vỉa hè ở ngõ 28 Xuân La, lực lượng chức năng sẽ “đuổi” vào hai khung giờ 7 giờ và 9 giờ sáng. Những người bán hàng quen ở đây, cứ đến khoảng thời gian này lại nháo nhác dọn đồ rồi chạy.
Nhìn mấy người bị giữ hàng vì không kịp chạy, một tiểu thương bán rau có kinh nghiệm ở chợ đuổi chép miệng: Lại mất thêm tiền rồi! Chúng tôi ngơ ngác hỏi: “Tiền gì cô?”.
Ngay sau đó, chúng tôi được giảng giải về “tiền luật” ở chợ đuổi ngõ 28 Xuân La. Theo một tiểu thương “hàng xóm”, chúng tôi mới bán ngày đầu nên chưa được Tổ Tự quản trật tự hỏi thăm, đàm phán giá cả nhưng “rồi sẽ có, ai cho ngồi không”.
Chỗ chúng tôi ngồi xếp thùng, rổ bán hàng, gọn trong 9 ô gạch, mỗi ô có cạnh 0,4m, tính ra, chiếm khoảng 1,44m2 vỉa hè. “Chỗ nào cũng có giá của nó cả” - một tiểu thương bật mí với chúng tôi.
Ông Nam người vừa bê lồng gà 5 - 6 con “chạy” lực lượng chức năng, sau khi ổn định lại chỗ ngồi bán vì Tổ tự quản trật tự đã đi bắt đầu giảng giải cho chúng tôi về việc “đóng tiền luật vẫn phải chạy liên tục”.
“Có thấy ba viên gạch giữa gốc cây đó không? Chỗ tôi ngồi đó. Mỗi tháng đóng gần triệu tiền luật, thế nhưng đuổi cứ chạy như thường. Nhìn sang hàng cá bên cạnh kìa, chỗ đó nghe bảo đóng gần 3 triệu mới được ngồi khoảng như thế, chứ chợ này không tự nhiên mà ngồi như thế được đâu”, ông Nam tiết lộ.
Một nữ tiểu thương than vãn: “Đợt rồi chị bán phía trên gốc cây kia kìa (chị vừa nói vừa chỉ - PV) phải đóng 1 triệu đồng/tháng, nhưng nghỉ chợ một thời gian nay đã có người khác thế vào, nghe nói giá gần 3 triệu đồng”.
Theo tiết lộ của tiểu thương, mức tiền “đóng luật” căn cứ vào hai chi tiết: một là vị trí ngồi bán, hai là mặt hàng tiểu thương bán. So với người bán hàng cá, hàng gà, những người bán rau, bán hoa quả đóng tiền ít hơn. Theo lời kể tiểu thương, mức tiền đóng chênh lệch dao động khoảng 200 - 500 nghìn đồng/tháng.
Tổ chức tự quản là tổ chức được thành lập dựa trên cơ sở bầu cử bởi những công dân trong cùng một cộng đồng để thực hiện các công việc quản lý mang tính cộng đồng hoặc do Nhà nước ủy quyền.
Bên cạnh đó, còn có hình thức đóng tiền theo ngày cho những người dăm bữa nửa tháng mới đến chợ hoặc có thể “mặc cả” nếu đi chợ không thường xuyên.
Chị Thúy - một tiểu thương buôn bán đồ đông lạnh tư vấn cho chúng tôi: “Mỗi tháng chị đóng 300.000 đồng cho việc làm luật. Nhưng nếu em mới, chợ khó bán thì bảo cháu đóng 100.000 - 200.000 đồng thôi. Nhiều người mới không biết tưởng dễ kiếm đóng cả triệu đồng, phí tiền ra”.
Nhiều người không bán thường xuyên tại chợ, chọn cách đóng 10 - 20 nghìn đồng/buổi, bán buổi nào đóng tiền buổi đấy.
Như lời các tiểu thương tư vấn, chỉ sau đôi buổi bán hàng chúng tôi đã được thành viên Tổ tự quản trật tự tiếp cận.
Không muốn chạy bỏ “dày tiền” thuê vỉa hè trước kiốt
Bên cạnh loạt vỉa hè, trong ngõ 28 Xuân La có hàng loạt kiốt được dựng lên để cho thuê. Trung bình, giá mỗi kiốt từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Chúng tôi được tư vấn, nếu muốn dễ bán hàng thì thuê vỉa hè mặt trước của ki ốt với giá từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, lúc bị đuổi thì không phải lo chạy nhiều.
Đón đọc Bài 2: Chốt tiền luật và những cuộc mặc cả với Tổ Tự quản
Vui lòng nhập nội dung bình luận.