Mâm cúng tất niên Tết 2024 đầy đủ, đơn giản

Việt Sáng Thứ năm, ngày 08/02/2024 09:50 AM (GMT+7)
Cúng tất niên Tết Nguyên đán là nghi thức không thể thiếu trong đêm 30 Tết của các gia đình Việt. Mỗi địa phương sẽ có cách làm lễ khác nhau, dưới đây là mẫu mâm cúng tất niên Tết 2024 để bạn đọc tham khảo. .
Bình luận 0

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, nhà nhà đều chuẩn bị lễ vật đủ đầy để cúng dâng lên tổ tiên, Phật thánh với mong muốn xóa bỏ đi những điều không hay và chào đón một năm mới tốt đẹp, khang thái.

Năm nay, ngày 30 tháng Chạp rơi vào thứ Sáu, nhằm ngày 9/2/2024 dương lịch.

Người Việt thường cúng tất niên vào những ngày cuối năm âm lịch, nhưng phần lớn sẽ chọn ngày cuối cùng của năm.

Để thực hiện nghi lễ cúng tất niên, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm tươm tất dâng lên ông bà, tổ tiên. Bữa cơm cuối cùng của năm mang ý nghĩa tiễn năm cũ và cầu mong năm mới may mắn, thịnh vượng.

Tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, bữa cơm tất niên có thể bày biện “mâm cao cỗ đầy” hoặc đơn giản, thanh đạm.

Mâm cúng tất niên Tết 2024 đầy đủ, đơn giản

Mâm cúng tất niên miền Bắc

Theo quan niệm, mâm cỗ miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng đều có xôi gấc, bánh chưng, dưa hành muối, nem, giò thủ, gà luộc và thịt đông.

Các món ăn này phù hợp với tiết trời lạnh giá của miền Bắc khi đón năm mới vào mùa đông. Trong đó, thịt đông là món ăn đặc trưng của người miền Bắc mà các vùng miền khác thường không có.

Ngoài những món vừa kể, mỗi gia đình thường có thêm một số món như: rau xào thập cẩm, canh măng, miến xào mề gà...

Theo truyền thống ngày xưa, mâm cỗ cúng cần 4 bát, 4 đĩa. Những nhà khá giả hoặc làm quan thì làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa.

Mâm cúng tất niên Tết 2024 đầy đủ, đơn giản- Ảnh 2.

Cúng giao thừa Tết Nguyên đán là nghi thức không thể thiếu trong đêm 30 Tết của các gia đình Việt. Mỗi địa phương sẽ có cách làm lễ khác nhau, dưới đây Báo điện tử Dân Việt giới thiệu mẫu mâm cúng tất niên Tết 2024 đầy đủ, đơn giản nhất.

Mâm cúng tất niên miền Trung

Mâm cúng tất niên của người miền Trung phản ánh rõ nét đặc sản, ẩm thực vùng miền.

Mâm cỗ tất niên của người miền Trung thường có nhiều món. Đó là những món ăn thường dùng trong cuộc sống hàng ngày, kèm một số món ăn đặc biệt chỉ nấu vào ngày Tết.

Ngoài các món gà luộc, xôi, chè, mâm cúng tất niên miền Trung có thêm bánh tét hoặc bánh chưng, món hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, nem chua, ram, gỏi…

Nếu như miền Bắc có thịt đông thì mâm cỗ cúng của người miền Trung không thể thiếu món thịt muối hoặc thịt ngâm mắm.

Mâm cúng tất niên miền Nam

Điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cúng tất niên miền Nam là món thịt kho trứng và canh khổ qua nhồi thịt. Bên cạnh đó, bánh tét với đủ loại nhân mặn ngọt, vô số loại bánh mứt thể hiện vùng đất có sản vật trù phú.

Mâm cỗ cúng tất niên phương Nam không thể thiếu món thịt kho trứng. Quả trứng tròn miếng thịt vuông tượng trưng cho trời tròn đất vuông, mang ý nghĩa năm mới trọn vẹn, đầy đủ, sung túc.

Dân gian Nam bộ cho rằng, tất niên ăn món canh khổ qua nhồi thịt thì bao nhiêu cái khổ trong năm cũ sẽ qua hết, xua tan xui xẻo, đón tài lộc năm mới.

Ngoài các món ăn đặc trưng, mâm cúng tất niên của người miền Nam còn có gà xé phay, tôm khô củ kiệu, bánh mứt…

Bên cạnh các món mặn, mâm cúng tất niên 3 miền không thể thiếu mâm ngũ quả, hương hoa, đèn nến, trầu cau, trà, rượu…

Mâm ngũ quả, hương hoa thường được đặt trên ban thờ suốt Tết. Mâm cỗ mặn được đặt ở bàn thờ phụ hoặc một chiếc bàn nhỏ chữ nhật thấp hơn, đặt trước bàn thờ chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem