Mang họa vì sông có... vàng

Thứ sáu, ngày 23/12/2011 13:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi chúng tôi đến, nhiều máy đào, đãi vàng công suất lớn đang đua nhau móc ruột lòng sông. Tiếng động cơ gầm thét đinh tai, nhức óc. Một quãng sông dài mấy kilômét nham nhở những hầm hố chết người.
Bình luận 0

Bài 1: Tan nát dòng sông quê

Lòng sông bị băm nát, dân bị mất đất sản xuất, nước sinh hoạt ô nhiễm và tệ nạn bủa vây. Đó là cái họa mà người dân xã Thượng Long (Nam Đông, Thừa Thiên- Huế) phải gánh chịu từ khi Công ty TNHH Quang Vinh (trụ sở tại Hà Nam) được cấp phép khai thác vàng trên sông A Ka.

Sông “chảy máu”

Công trường khai thác vàng trên sông A Ka nằm cách trụ sở UBND xã Thượng Long chỉ hơn 1km. Bãi vàng này nằm trước mặt thôn 4 và thôn 3 của xã Thượng Long. Khi chúng tôi đến, nhiều máy đào, đãi vàng công suất lớn đang đua nhau móc ruột lòng sông. Tiếng động cơ gầm thét đinh tai, nhức óc. Một quãng sông dài mấy kilômét nham nhở những hầm hố chết người. Hàng loạt đống đất cát khổng lồ mọc bên cạnh những hầm hố, chèn hết dòng chảy của sông.

img
Sông A Ka đoạn qua thôn 4, xã Thượng Long đã bị băm nát.

Không chỉ điên cuồng đào bới giữa lòng sông, đội quân khai thác vàng còn đào cả hai bên bờ, gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nhiều chỗ sạt lở đã ăn sâu vào bờ, cuốn trôi nhiều cây cối và ruộng đất của người dân. Nước sông ở đây luôn trong tình trạng đục ngầu, có nhiều màu và tanh tưởi.

Ông Hồ Tấn Thành - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Long, dẫn chúng tôi ra bãi vàng, than thở: “Họ đào bới thâu đêm suốt sáng, bất kể nắng hay mưa. Dòng sông bao đời nay hiền hòa giờ đã tan nát hết rồi, một năm rồi dân bản chúng tôi không được sống yên ổn vì vàng”.

Người dân sống hai bên bờ sông cho biết, không chỉ ào ạt đào bới đoạn sông trước thôn 4 và thôn 3, hiện đội quân đào vàng đang thăm dò để chuẩn bị khai thác vàng ở đoạn sông trước thôn 1. Theo ông Đoàn Văn Lạc - Thôn trưởng thôn 1, hiện người dân trong thôn đang hoang mang vì đoạn sông trước thôn sắp bị “xẻ thịt”. Cũng theo ông Lạc, sau khi nghe tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho Công ty TNHH Quang Vinh khai thác vàng trên sông A Ka, vàng tặc từ nhiều nơi nườm nượp kéo về đây để tìm vận may đổi đời.

Do bãi vàng trên sông đã có chủ nên vàng tặc kéo lên khu vực đồi Ta Râu thuộc thôn 1 để đào vàng. Hậu quả của tình trạng này là nhiều diện tích đất trồng cao su của người dân trên đồi Ta Râu đã bị đào bới tan hoang.

Dân địa phương lãnh đủ

“Người dân nơi đây đã bị mất rất nhiều đất trồng lúa, đất vườn, do tình trạng khai thác vàng gây sạt lở nghiêm trọng”- ông Trần Văn Thủ Đô - Thôn trưởng thôn 4, mở đầu câu chuyện sau tiếng thở dài não nề. Theo ông Đô, do các bờ sông đã bị khoét thành những hàm ếch nên hễ trời mưa đất hai bên bờ đua nhau sụp xuống, làm ruộng đất của dân bị cuốn trôi. Hiện đã có 4 sào ruộng của dân bị cuốn trôi và nếu việc khai thác vàng tiếp diễn thì 3ha ruộng nằm bên bờ sông của người dân sẽ không còn. Tình trạng này khiến cuộc sống người dân vốn đã khó khăn do ít ruộng đất càng thêm khốn đốn.

Một năm trở lại đây, 33 hộ dân với 128 nhân khẩu của thôn 7, xã Hương Hữu, phải dùng nước ô nhiễm để sinh hoạt do nước sông A Ka chảy qua đây đã bị đầu độc bởi việc khai thác vàng.

Ông Đô bảo rằng, với trách nhiệm của một trưởng thôn, điều ông lo lắng nhất hiện nay không chỉ là việc dân mất ruộng đất, mà còn là tình trạng môi trường sống bị xâm hại nghiêm trọng. Đó là tình trạng nước sông bị đầu độc nên ô nhiễm ngày càng nặng nề do dòng sông bị móc ruột, nhất là các hóa chất sử dụng để xử lý vàng lẫn vào nguồn nước. “Sông là nơi tắm rửa, giặt giũ của bà con, rất nhiều hộ còn lấy nước sông để nấu nướng, nên sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng”- ông Đô lo lắng.

Theo chính quyền thôn 4, nguy hiểm nhất hiện nay là những người đào vàng đã đưa về đây những tệ nạn xã hội. Nhiều người dân thôn 4 đã bắt gặp nhiều bơm kim tiêm đã qua sử dụng được vứt trôi nổi giữa sông A Ka. Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhất khi xuất hiện đội công nhân người Trung Quốc về lắp đặt hoặc sửa chữa máy đào, đãi vàng. “Chỉ cần sơ ý giẫm vào kim tiêm hoặc uống nguồn nước chỗ có vứt những vật dụng này là mang họa” - Trưởng thôn Đô nói với tâm trạng lo sợ.

Không chỉ người dân xã Thượng Long khốn khổ vì nạn đào đãi vàng, mà người dân các xã ở hạ nguồn sông A Ka cũng điêu đứng. Một năm trở lại đây, 33 hộ dân với 128 nhân khẩu của thôn 7, xã Hương Hữu, phải dùng nước ô nhiễm để sinh hoạt do nước sông A Ka chảy qua đây đã bị đầu độc bởi việc khai thác vàng. Ông Nguyễn Văn Húc - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, do hệ thống nước tự chảy thường xuyên bị hư hỏng, nên người dân thôn 7 phải chấp nhận dùng nước sông ô nhiễm. Tình trạng này khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bệnh tật rình rập.

Theo UBND xã Thượng Long, trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân trên địa bàn đồng loạt phản ánh việc khai thác vàng của Công ty TNHH Quang Vinh khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để bảo vệ cuộc sống người dân, chính quyền xã đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đình chỉ hoạt động khai thác vàng của doanh nghiệp trên, tuy nhiên đề nghị của xã đã không được chấp thuận.

---------

Bài cuối: Chủ vàng ép dân giao đất

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem