Mạnh dạn tháo gỡ “nút thắt” cho Việt kiều

Thứ sáu, ngày 28/09/2012 08:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nhiều ý kiến của kiều bào đã đóng góp tích cực vào các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của đất nước” - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định.
Bình luận 0

Đóng góp vào các quyết sách lớn

Theo ông Lê Hồng Anh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" để cùng nhau nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, hội nhập vững chắc hơn vào xã hội nơi cư trú và hướng về quê hương đất nước.

“Nhiều ý kiến của kiều bào đã đóng góp tích cực vào các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của đất nước” – ông Lê Hồng Anh, khẳng định.

img
Các đại biểu Việt kiều trao đổi trong giờ nghỉ.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định: “Sự có mặt của quý vị là biểu hiện sinh động ý chí và nguyện vọng của hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về quê hương đất nước”.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào, như vấn đề quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà... nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho trí thức kiều bào về làm việc ở trong nước. Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng được quan tâm hơn trước.

“Tuy vậy, Chính phủ cũng nhận thấy rằng những chính sách này còn chưa đáp ứng được hết các nguyện vọng và mong muốn của nhiều bà con. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, đóng góp của bà con kiều bào để có những chính sách mới nhằm đáp ứng được nguyện vọng của bà con” – ông Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu.

Cần cơ chế “một cửa”

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Việt kiều tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nhận định có một điều cần phải thừa nhận, đó là cho đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác được hết thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài. Lý do vì cơ chế chính sách chưa được thực thi một cách nhất quán, hay thay đổi bất thường, chưa minh bạch và kỷ cương trong thực hiện. Do đó, cần phải tiếp tục và kiên trì việc cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là xoá bỏ các thủ tục rườm rà, phiền nhiễu hay phân biệt đối xử... gây phản cảm và làm mất lòng tin đối với Việt kiều.

“Tốt nhất là phát huy cơ chế “một cửa”. Vì có giải toả được những rào cản trước tiên này thì mới có thể tạo ra sự hấp dẫn thu hút nhiều kiều bào hơn nữa trở về sinh sống và đầu tư tại Việt Nam”.

Trăn trở, TSKH Trần Hà Anh (Câu lạc bộ KHKT người Việt Nam ở nước ngoài), đặt câu hỏi: Vì sao lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài, với số lượng đông và chất lượng cao nhưng sự đóng góp chất xám với trong nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng? Tại sao đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” chuẩn bị từ nhiều năm mà đến nay vẫn chưa ban hành?

Ông Anh cho rằng do việc xúc tiến cải cách nền hành chính quốc gia, bao gồm cải tổ luật pháp và nâng cao chất lượng cán bộ chưa đơn giản hóa và thu ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đối với kiều bào. “Nếu không mạnh dạn tháo gỡ những “nút thắt” này thì việc đổi mới công tác vận động trí thức sẽ không thể đạt kết quả như mong muốn. Thậm chí, chúng ta còn có nguy cơ “chảy máu chất xám” khi gửi sinh viên ra nước ngoài du học, nhưng chỉ có một tỷ lệ hạn chế về nước sau khi học xong như hiện nay” -TSKH Trần Hà Anh nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem