Đầu năm 2016, cuốn sách được trao giải B (không có giải A) trong cuộc thi tiểu thuyết năm 2011-2015 của Hội Nhà văn Việt Nam.
“Mảnh vỡ của mảnh vỡ” là cuốn tiểu thuyết có lẽ độc đáo nhất trong làng tiểu thuyết Việt Nam, bởi nhà văn Vĩnh Quyền đã viết nó bằng tiếng Anh trước khi viết lại bằng tiếng Việt. Đầu năm 2016, cuốn sách được trao giải B (không có giải A) trong cuộc thi tiểu thuyết năm 2011-2015 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bìa cuốn sách “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”.
Nhà xuất bản Austin Macauley của nước Anh nhận xét về cuốn sách: “Bảo Ninh đã nói đến “Nỗi buồn chiến tranh” trong “The sorrow of war”, còn đoạn trường hàn gắn đau buồn ấy thuộc về câu chuyện khác trong tiểu thuyết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền”. Còn nhà biên tập Zac Herman (Mỹ) thì cho biết: “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” là câu chuyện không dành riêng cho Việt Nam mà cho bất kỳ hoàn cảnh hậu chiến đương đại nào trên thế giới. Điều đó thu hút bạn đọc Mỹ, nhất là với những người đã tham chiến ở Việt Nam và khiến tôi hào hứng khi biên tập tiểu thuyết này.
Đúng như tinh thần của cuốn sách: “Sống sót trong chiến tranh là một chuyện. Sống hạnh phúc thời hậu chiến là chuyện khác”, cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn và ăm ắp đầy đặn những số phận người sau chiến tranh. Họ đến từ cả hai phía, và những nỗi đau thời hậu chiến là giống nhau. Đó là những giáo viên đã từng đứng lớp ở chế độ cũ, là những thành viên của một đội trí thức trẻ đấu tranh chính trị trong phong trào phản chiến yêu nước, là những người chiến sĩ biệt động thành…
Vây quanh những nhân vật ấy là chằng chịt biết bao mối quan hệ gia đình, người thân, xã hội, ai cũng có những bi kịch của riêng mình sau cuộc chiến. Bi kịch của những người mang vết thương trong lòng và khó tìm lại sự cân bằng sau cuộc chiến như Lai- một cô gái điếm đã từng cứu Phan- một chiến sĩ biệt động và cuộc hôn nhân của họ.
Như Thùy và Kha- những người phải trải qua bao nhiêu bi kịch mới về lại được bên nhau. Như Dung và Long- hai người đã từng có một đêm yêu nhau dưới căn hầm trong vòng vây kẻ thù vì tưởng rằng không còn có ngày mai, nhưng đã có chung một đứa con trai để rồi hơn hai mươi năm sau mới gặp lại.
Xã hội Việt Nam thời hậu chiến với rất nhiều thay đổi, từ chỗ là kẻ thù, đã chuyển sang là bạn làm ăn với người Mỹ, từ chỗ tem phiếu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, những nhân vật trong “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” cũng đã kịp thích ứng và xoay chuyển, vật lộn. Cho dù rất khó khăn nhưng để sống tiếp với ngày hôm nay, mỗi con người đều phải bước qua những bi kịch của chính mình. Giống như lời của Kha: “Từ biển, con người có thể học được cách chữa lành vết thương hôm qua” khi anh nhìn thấy những bãi cát mịn màng vào buổi sớm mai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.