Nói về tài nguyên bản địa và sức mạnh công nghệ, chị Vân đưa ra tư duy tiêu dùng mới gắn với bảy từ khoá:
Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu, trong một workshop trao đổi về khởi nghiệp. Ảnh: TLKY.
1. Tiết kiệm, không lãng phí.
Sản phẩm, dịch vụ nào cũng phải đem lại sự tiết kiệm cho người tiêu dùng (NTD). Điều này chi phối rất lớn đến lĩnh vực kinh doanh đặc sản bản địa, ví dụ bán ô mai, nếu bán nguyên hũ lớn sẽ lãng phí, chỉ nên bán bịch ô mai nhỏ hai cục. Vấn đề lớn nhất làm đặc sản địa phương là đóng gói. Về An Giang, tôi được tặng một bịch khô nhái mười con dang tay dang chân trông rất ấn tượng mà không biết phải làm sao! Một là quá nhiều cho một người độc thân như tôi, hai là trên bao bì không có thông tin phải làm thế nào để dùng. NTD số mà không biết hỏi ai, mất kết nối với doanh nghiệp (DN) rất đáng tiếc.
2.Sự bền vững
Tài nguyên có hạn, vì chúng ta tàn phá quá nhiều thiên nhiên. Nên điều đầu tiên khi làm kinh doanh là phải xem mình có tàn phá thiên nhiên không?
3.Công nghệ
Mọi thứ đều phải có công nghệ trong đó. Công nghệ giúp bạn hiểu NTD hơn, từ đó tạo ra dịch vụ sản phẩm tốt hơn cho nhu cầu NTD… Đó là vòng khép kín của công nghệ. Thật sai lầm khi nghĩ chỉ là marketing online. Nó gồm cả cách tạo sản phẩm, tương tác, phục vụ khách hàng…
4. Bản địa
Xưa tạo ra đôi giày mọi người mang giống nhau, giờ ngược lại, phải cá nhân hoá, phải sử dụng thứ gì khác biệt. Lúc ấy tính bản địa lại trở thành thế mạnh cạnh tranh lớn. Ví dụ như một người sành điệu không ăn cơm chung chung mà ăn cơm bằng gạo Đồng Tháp… Đây là cánh cửa vàng cho đặc sản địa phương Việt Nam. Nếu bạn không mang ra thế giới thì có nguy cơ người khác sẽ sử dụng tính bản địa của bạn để kinh doanh.
5. Sức khoẻ
Tất cả các sản phẩm dịch vụ đều phải gắn với sức khoẻ vào bất kỳ lúc nào trong ngày, đi cùng suốt hành trình sống của con người. Trái cây Việt Nam hồi giờ cứ phải bị vứt bỏ vì trúng mùa. Tại sao không phát triển ngành chế biến sau thu hoạch, để phục vụ trái cây sấy khô cho NTD có thể mang theo người bất cứ lúc nào, thay cho thức ăn nhanh nguy hại? Như vậy trái cây tươi có thể trở thành sản phẩm bản địa. Đây là cửa sổ vàng cho mình để làm sản phẩm thiên nhiên, organic.
6.Đơn giản
Con ngươi sống trong thế giới di động, cần cái gì cũng phải đơn giản dễ dàng, làm gì cũng một lần thôi. Lúc ấy DN phải quay lại công nghệ để xử lý data NTD, lập ra thông tin cá nhân hoá NTD.
7.Tự do
Tôi thích free lance, không thích full time, đừng ràng buộc khách hàng phải trung thành với mình, vì khi ràng buộc là bạn mất họ.
5 xu hướng xây dựng sản phẩm dịch vụ
Trước hết, Phân khúc phải hết sức rõ ràng. Cao cấp thì cao cấp hẳn, đáng giá, đắt tiền, đẹp không chưa đủ, mà phải gắn với các công năng đặc biệt khác. Nếu phân khúc cơ bản phải thống nhất với bao bì vừa phải, in ấn tối giản, đừng nằm ở giữa. Đây là vấn đề rất lớn với các sản phẩm Việt Nam, vì muốn bán hết cho mọi người.
Thứ hai, đưa công nghệ vào tư duy sản phẩm trong quá trình làm ra sản phẩm, không phải hậu sản phẩm. Ví dụ bán dầu dừa cho NTD số, cần chai rất nhỏ, nên sử dụng công nghệ nắp chai thông minh giúp khách hàng hiểu hết về thông số của dầu dừa, chứ không giới hạn ở bán hàng.
Thứ ba là Xu thế trải nghiệm. Ví dụ sản phẩm túi xách bằng lá sen của bạn Lê Chí Công ở Đồng Tháp chẳng hạn, sản phẩm rất đẹp, nhưng khách hàng không chỉ mua để xài, họ còn thích có thể về Đồng Tháp xem các người thợ hái lá sen, ghép lá sen ra sao, thích tự mình làm… đó là nhu cầu NTD trong tương lai. Họ muốn bản thân tham gia vào quy trình đó để thấy quý hơn sản phẩm. Tính bản địa là phải giúp khách hàng tham gia trải nghiệm chứ không chỉ sử dụng sản phẩm.
Thứ tư là Xu hướng solo, hộ gia đình solo rất nhiều, không gian sống ngày càng nhỏ lại, đồ đạc ít hơn, đa năng hơn, khẩu phần nhỏ hơn. Nếu làm kinh doanh, phải hỏi mình có sản phẩm gì phục vụ cho người solo? Đưa cho họ mười con nhái khô mà không cho biết phải chế biến thế nào là không được, phải làm thành gói nhỏ ăn liền thì OK. Trong căn hộ đa năng, bàn ghế trở thành giường tủ, chai dưỡng da trở thành bình cắm hoa, máy đánh trứng gộp vào máy xay sinh tố… Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu đa năng đó. Làm kem phải nghĩ hũ kem khi ăn hết sẽ sử dụng được vào việc gì… Mua sắm, lưu trữ, sử dụng, giao hàng… đều phải thông minh hết. Tại Ấn Độ, app mang tên Capp kết nối toàn bộ các nông trại bò sữa với nhau, đặt hàng 24 tiếng được giao sữa của nông trại gần nhất với mình, tiết kiệm thời gian, bớt lãng phí vận chuyển. Liệu các đặc sản vùng miền của Việt Nam có nghĩ ra một app tương tự, cho phép khách hàng đặt hàng theo khu vực đặc sản được chế biến? Như vậy chuỗi cung ứng bị ép lại, đi thẳng từ nông trại đến NTD, giảm chi phí trung gian, làm chi phí thấp xuống, công nghệ sẽ giúp mình làm điều đó.
Thứ năm là xu hướng Trải nghiệm bản địa tận gốc: người dùng có thể đến để trải nghiệm chính môi trường đó, thiên nhiên đó, sản phẩm đó. Tổ chức WWOOF cung cấp dịch vụ cho bạn đến sống, tham gia trồng rau organic trên toàn thế giới. BonAppetour giúp bạn có thể đến bất cứ nơi nào trên thế giới để trải nghiệm bản địa về một món ăn. Ngày 23.6 này tôi sẽ bay đi Venlo, một thị xã ven biên giới Đức và Hà Lan, người bản địa sẽ dẫn tôi đi tham quan sản phẩm truyền thống, ăn món ăn họ nấu để trải nghiệm về Venlo. Bạn Công không chỉ bán cái túi xách, mà bán trải nghiệm sen, vậy tư duy phải khác, đưa người đến Đồng Tháp phải khác… graze.com không làm gì hết, muốn ăn đặc sản gì chỉ cần lên trang web này đặt hàng họ sẽ làm những gói nhỏ gửi đến cho mình theo kích cỡ mình muốn, giải quyết rất nhiều vấn đề về kênh tiếp xúc với sản phẩm bản địa của người dùng. Kinh tế kinh doanh đặt hàng trước cho 12 tháng của gia đình, đúng ngày đó, tháng đó người ta giao hàng đến cho mình, giải quyết bài toán đi chợ cho các bà nội trợ. Còn The Freshbook sẽ tổng hợp tất cả những sản phẩm bạn dùng trong ngày như cuốn sách, mỗi trang sách là cái bao để đồ, thay vì mua 1kg, chỉ cần mua hai miếng ép vào từng trang, không lãng phí mà vẫn giữ đồ sạch và tươi. Công nghệ là vậy đó.
Để đặt NTD là trọng tâm trong môi trường kinh doanh, theo Phi Vân, công nghệ không phải tiêu diệt những gì mình đang có, mà hiệu chỉnh liên tục để điều chỉnh mô hình mới, giúp bạn đủ thời gian chuyển đổi mô hình. Công nghệ thay đổi quá nhanh, không cập nhật sẽ bị lạc hậu. Tái chế, tái tạo sẽ là xu hướng, phải đưa ra dịch vụ để tái sử dụng sản phẩm. Nghĩ về chuỗi giá trị là nhà cung cấp, nhà phân phối, đối tác… Trong hành trình sản phẩm đều phải sáng tạo, phải tìm nhà cung cấp sáng tạo thế nào để giúp mình tốt hơn. Suy nghĩ tổng thể trên có thể thay đổi hoàn toàn tư duy và sản xuất của bạn, từ đó mới có thể phát triển trong tương lai được.
Những cảnh báo
Lặng lẽ đồng hành cùng DN và hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Phi Vân đang giúp cho nhiều DN nhỏ và vừa trong ngành may mặc, da giày, thời trang, thuỷ sản, công nghệ… có tư duy tầm nhìn quốc tế để tái khởi nghiệp, sau này đi ra quốc tế. Chị nói: “Chọn ra khoảng năm DN để tư vấn cho họ trong sáu tháng, với tôn chỉ “Cộng đồng DN mang tính chính trực, để cùng nhau bước ra thế giới”. Ví dụ như công ty may mặc HNOSS có 17 chi nhánh khắp Việt Nam, trong tương lai xuất khẩu mô hình ra khu vực. Về nông nghiệp có 3F Việt, DN chăn nuôi gà và sản phẩm nông nghiệp khép kín từ nông trại đến bàn ăn, và công ty Hanet về công nghệ, làm ra những công nghệ khác nhau phục vụ NTD và DN vừa và nhỏ về marketing online… Ba lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng sẽ giúp cho Việt Nam phát triển”.
Đánh giá về phong trào khởi nghiệp hiện nay, Phi Vân thẳng thắn: “Khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay mang tính phong trào, không chiến lược, hệ thống, không có tổ chức để tạo ra DN bền vững”. Khởi nghiệp không chỉ dành cho lũ trẻ, đó chỉ là tầng thứ ba, chưa có kinh nghiệm gì cả, cần rất nhiều người cố vấn để các em lớn lên. DN khởi nghiệp cần có nhiều tầng, tầng thứ nhất là những DN hiện hữu có tên tuổi, có kinh nghiệm cũng tái khởi nghiệp để theo kịp xu thế 4.0. Nhưng điều này không hề được nhắc tới ở Việt Nam. Làm thế nào để tốc độ tăng trưởng không bị chậm lại, không bị thôn tính, có thể theo kịp thế giới? Những DN lớn này mới cần hỗ trợ, vì nếu họ chết đi, đất nước và nền kinh tế sẽ tổn thất rất lớn. Trong khi lũ trẻ mới bắt đầu tìm kiếm thì mình đã mất đi sức mạnh quốc gia mà không biết.
Tầng thứ hai, các nước đang hỗ trợ toàn phần để DN vừa và nhỏ của họ trở thành những công ty quốc tế. Họ sẽ bước vào thị trường Việt Nam 92 triệu dân tiềm năng rất lớn. Trong khi mình không hỗ trợ gì các DN vừa và nhỏ tái khởi nghiệp để cạnh tranh với các DN tái khởi nghiệp thế giới. Tức là mình đang thua trong ván cờ vừa và nhỏ. Phải có người trẻ khởi nghiệp, DN lớn tái khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ khởi nghiệp, tạo thành hệ sinh thái khởi nghiệp. “Chu kỳ đời sống của một DN năm 1990 là 75 năm, 2017 là 15 năm, nếu không tái khởi nghiệp trong vòng 15 năm là chết chắc!”
Khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay mang tính phong trào, không chiến lược, hệ thống, không có tổ chức để tạo ra DN bền vững. Khởi nghiệp gồm ba tầng gồm DN tên tuổi, DN vừa và nhỏ, rồi mới tới người trẻ...
|
Kim Yến ghi (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.