Khởi nghiệp, không như mơ…

Thứ ba, ngày 25/04/2017 09:30 AM (GMT+7)
Butterfly Salon – ứng dụng di động sử dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào ngành công nghiệp sắc đẹp, giúp người dùng cập nhật với các mốt thời trang mới nhất và tìm được kiểu tóc phù hợp vừa lọt qua “vòng gửi xe” để nhận được số tiền hỗ trợ lên đến 30.000 USD.
Bình luận 0

“Với sự tiếp sức về vốn từ VIISA, dự án không lâm vào cảnh chạy vạy khắp nơi tìm chỗ vay mượn tiền. Bên cạnh đó, sự tiếp sức về kinh nghiệm khởi nghiệp của VIISA đã giúp dự án vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu”, đồng sáng lập dự án Butterfly Salon Trần Đằng Vân xác nhận.

img

Butterfly Salon là một trong bảy dự án khởi nghiệp trong tổng số 150 dự án tham gia, được trình bày trước một nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Butterfly Salon là một trong bảy dự án khởi nghiệp trong tổng số 150 dự án tham gia, được trình bày trước một nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến từ các tổ chức như NSI Ventures, Spiral Ventures, Cocoon Capital và Golden Gate Ventures vào chiều ngày 11.4.2017, tại TP.HCM, do quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội đầu tư khởi nghiệp (VIISA Investment Day). Ngoài số tiền 30.000 USD (gồm 15.000 USD tiền mặt) mỗi dự án nhận được, dự án hấp dẫn nhất sẽ được VIISA lựa chọn để đầu tư đến 200.000 – 500.000 USD, theo ông Trần Hữu Đức, giám đốc FPT Ventures.

Bảy tay súng oai hùng

Ngoài Butterfly Salon, các chân dung còn lại cũng là những cái tên đáng chú ý. Fastsell là ứng dụng cho phép người dùng mua hàng từ những người bán xung quanh bạn trên mạng xã hội. Lexis là ứng dụng kết nối các luật sư với khách hàng của mình. Thông qua ứng dụng này, người sử dụng sẽ được trợ giúp và tư vấn pháp lý mọi lúc mọi nơi thông qua “gói cước trả trước” và đường dây hỗ trợ miễn phí.

Usedata sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) để gợi ý giá trị của sản phẩm đến từng người dùng giúp các nhà bán lẻ tối ưu hoá mục tiêu kinh doanh. Theo nhóm thực hiện, đang có hơn 250 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Wefit là ứng dụng cung cấp giải pháp tập luyện fitness và chia sẻ 300 địa chỉ phòng tập thể dục tại nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Wisepass là dự án khởi nghiệp khác biệt nhất trong nhóm bảy dự án giới thiệu lần này. Khi sử dụng Wisepass, người dùng phải đóng mức phí 6 triệu đồng/tháng, sau đó, mỗi đêm, thành viên này sẽ được thưởng thức một chai rượu tuỳ sở thích. Những người thực hiện dự án này cho biết, các sản phẩm rượu này được các quán bar hoặc nhà hàng cung cấp, do Wisepass chọn lựa!

Fixir là ứng dụng di động giúp người điều khiển xe máy tìm kiếm và đặt cuộc hẹn sửa xe hoặc bảo trì xe ở các cửa hàng dịch vụ tin cậy.

Nhà khởi nghiệp được gì?

Ông Nguyễn Khôi (sáng lập dự án Wefit) chia sẻ: “Có được nguồn vốn ban đầu là cơ hội để dự án tồn tại, nhưng quan trọng hơn cả là chúng tối được tham gia các khoá huấn luyện để tự điều chỉnh dự án phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong khởi nghiệp, mỗi giai đoạn cần một sự hỗ trợ riêng”.

Là cựu nhân viên của FPT, nhà sáng lập dự án Fastsell Nguyễn Hoàng Anh nói rằng, FPT đã có những dự án khởi nghiệp thất bại nên họ hiểu một dự án khởi nghiệp thành công cần những yếu tố nào. “Trong thời gian huấn luyện, những góp ý, mổ xẻ của các huấn luyện viên cũng như đồng nghiệp trong khoá đã cho tôi thêm kinh nghiệm để tiếp cận thị trường, hoàn thiện sản phẩm, bản lĩnh hơn, biết lường trước và dám đương đầu”, ông Hoàng Anh nói thêm.

Phía trước là…

Tại buổi báo cáo của các dự án khởi nghiệp, ông Sangyeop Kang, giám đốc đầu tư của Hanwha Investment, đã đưa ra lời cảnh báo: “Các chuyên gia của VIISA và bảy dự án khởi nghiệp đã làm việc rất chăm chỉ. Tuy nhiên đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu, phía sau còn nhiều khó khăn. Muốn gọi vốn từ các nhà đầu tư, các dự án phải cố gắng nhiều hơn nữa, từ mức độ hoàn thiện của sản phẩm cho đến cách tiếp xúc với các nhà đầu tư”. Chia sẻ với lời cảnh báo trên, theo ông Huỳnh Lâm Hồ, chưa thể nói nhiều về các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn “chào hàng” với các nhà đầu tư, vì đây là giai đoạn căng thẳng nhất. “Phần đông các dự án bỏ cuộc trong giai đoạn này vì không tìm được nhà đầu tư. Nếu không thể gọi vốn cho dự án, những người tham gia khởi nghiệp có thể bán công nghệ, giải pháp, thậm chí là “bán” chính họ cho những doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực này”, ông Hồ nói.

Nhưng cho dù có khó khăn nào đối với mô hình khởi nghiệp (đó là điều tất nhiên), giám đốc chương trình đào tạo VIISA Adrian Tan chính thức công bố tuyển sinh chương trình khởi nghiệp khoá 2 tại www.viisa.vn, bắt đầu từ 11.4.2017. Khoá đào tạo thứ 2 dự kiến vào tháng 7.2017.       

bài, ảnh Thịnh An (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem