Mời dân ghi hình cán bộ vi phạm, ông Chủ tịch ngây thơ?

Phạm Trung Tuyến Thứ ba, ngày 29/12/2015 06:30 AM (GMT+7)
Tôi thích tin vào sự ngây thơ và đáng yêu! Cho dù đó là sự ngây thơ và đáng yêu của một người đứng đầu HĐND tỉnh.
Bình luận 0

Ông Trần Văn Tư- Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai mới đây đã đưa ra lời mời người dân và báo chí ghi hình cán bộ công chức vi phạm luật giao thông để xử lý. Qua truyền thông, “lời mời” ấy nhận được nhiều sự tán thưởng. Nhưng lời mời ấy và cả sự hào hứng của công chúng, là những chỉ dấu của một xã hội bất ổn.

Đưa ra lời mời ấy, người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của một địa phương hẳn phải có một ý định tốt, nhằm diễn đạt tư tưởng đề cao sự bình đẳng trước pháp luật giữa cán bộ công chức và người dân. Nếu vi phạm luật giao thông, thì người dân, hay cán bộ thì cũng bị xử lý. Tuy nhiên, đó là một cách diễn đạt ngây thơ.

img

Cảnh sát giao thông xử lý xe biển xanh vi phạm (Ảnh: TTXVN)

Việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm luật giao thông là trách nhiệm của cảnh sát, thanh tra giao thông. Trách nhiệm và quyền hạn của các lực lượng chức năng đó phải chăng chỉ có thể áp dụng với dân thường, nên vi phạm của cán bộ công chức cần được phát hiện bởi người dân?

Việc báo chí, người dân giám sát, phát hiện vi phạm của cán bộ công chức là quyền được luật pháp ghi nhận, sao phải có lời mời cho phép của ông Chủ tịch? Lời mời ấy, có lẽ thể hiện một nhận thức ngây thơ và… đáng yêu về luật pháp.

Tôi thích tin vào sự ngây thơ và đáng yêu! Cho dù đó là sự ngây thơ và đáng yêu của một người đứng đầu HĐND tỉnh. Nhưng khi sự ngây thơ và đáng yêu ấy khiến công chúng hào hứng, nhiều quan chức vỗ tay, nhiều luật gia ủng hộ…thì chúng ta lại cảm thấy bất an.

Trên báo Tuổi trẻ, đại diện của Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai bình luận về lời mời của ông Chủ tịch HĐND, rằng đây là giải pháp để cán bộ công chức vi phạm “biết mắc cỡ mà sửa mình.” – Đã từ bao giờ chúng ta bắt đầu hi vọng về việc thiết lập trật tự kỷ cương của xã hội bằng sự “mắc cỡ” của con người?

Mong chờ sự “mắc cỡ” của một nhóm đối tượng nào đó để có được trật tự, kỷ cương của xã hội, đó là khi chúng ta không còn tin vào sự công bằng luật pháp, không còn tin vào năng lực của bộ máy thực thi pháp luật, không còn tin vào các công cụ pháp lý nhằm điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội.

Nào chúng ta cùng phạt nhau đi! Anh cảnh sát giao thông phạt người dân không đội mũ bảo hiểm, người dân quay clip gửi HĐND phạt anh cán bộ đi lấn làn (dĩ nhiên cả cán bộ cảnh sát giao thông). Lời hiệu triệu người dân quay clip phản ánh tình trạng cán bộ phạm luật của ông Chủ tịch HĐND đang được tán dương như một giải pháp nhằm đem lại sự bình đẳng trước pháp luật cho tất cả mọi người, từ thượng quan cho đến thứ dân. Nhưng đó là một sự bình đẳng kiểu cải lương.

Anh cảnh sát được trao công cụ pháp lý để phát hiện và xử phạt dân chúng, gồm cả dân thường và cán bộ, nếu vi phạm luật giao thông. Còn người dân, những clip mà họ thực hiện được ghi nhận như thế nào, có được coi là bằng chứng pháp lý hay không? Người dân giám sát quá trình xử lý vi phạm từ phản ánh của mình ra sao? Những câu hỏi đó chưa được trả lời một cách thấu đáo thì lời hiệu triệu của ông Chủ tịch chỉ thuần túy cho vui.

Dân chúng cần một hành lang pháp lý rõ ràng và thuận lợi, đảm bảo việc thực thi công bằng để không còn bức xúc. Đáp ứng nhu cầu đó, người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương lại cho họ một lời mời kiểu “Hãy bắt tôi nếu có thể!” – một lời kêu gọi giống như tên của một bộ phim đến từ Hollywood.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem