Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi. Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Kim - quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) để tìm hiểu những bất cập của Luật tố cáo hiện hành cần được sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Kim - quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ). (Ảnh: L.K)
Trong pháp luật về phòng, chống nhũng có quy định mức thưởng rất cụ thể cho người có thành tích phát hiện, tố cáo. Trong khi với các tố cáo vi phạm pháp luật khác cũng đem lại giá trị mà không có mức thưởng như vậy?
- Trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, vừa qua nhà nước có thêm quy định khen thưởng về vật chất có giá trị tương đối lớn cho những người có thành tích trong tố cáo tham nhũng, đặc biệt với những vụ tham nhũng lớn mang lại hiệu quả nhất định về kinh tế, chính trị. Nhà nước ta xác định việc đấu tranh với tham nhũng rất khó khăn, phức tạp, nhiều người né tránh, việc đưa ra các mức thưởng cũng là sự ưu tiên nhằm góp phần đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.
Tuy nhiên xét bình diện pháp luật thì tham nhũng cũng là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy những người đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật khác, đặc biệt là vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức cũng có giá trị rất lớn nên phải được khen thưởng, động viên và bảo vệ tương xứng như với người tố cáo tham nhũng.
Chính vì vậy trong xây dựng pháp luật chúng tôi cũng có sẽ nghiên cứu, ghi nhận những hình thức khen thưởng về mặt vật chất đối với những người có công tố cáo, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật không phân biệt đó là tố cáo hành vi tham nhũng hay tố cáo hành vi phạm pháp luật khác, như thế sẽ đảm bảo công bằng để động viên, khuyến khích người dân.
Như vậy dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) sẽ đưa ra các mức tiền thưởng cụ thể thưa ông?
- Chúng tôi sẽ đưa nội dung này vào Luật tố cáo (sửa đổi), nhưng có lẽ chỉ quy định theo hướng nguyên tắc, còn giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Bởi đây là vấn đề rất phức tạp, nếu như quy định rất đầy đủ, chặt chẽ thì nhiều khi vướng.
Chính vì vậy nên xây dựng quy định mang tính nguyên tắc, sau đó Chính phủ căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như quy định pháp luật khác để đưa ra quy định cho phù hợp. Một mặt vừa động viên khuyến khích người đi tố cáo, mặt khác không gây ra sự bất hợp lý, đặc biệt là chống xu hướng tiêu cực. Chẳng hạn nếu khen thưởng nhiều, người đi tố cáo lợi dụng việc đó sẽ tác động xấu đến các cơ quan chức năng.
Trong công tác giải quyết tố cáo, tỷ lệ tố cáo đúng chiếm tỷ lệ khoảng 15 -20%, tố cáo có đúng, có sai chiếm tỷ lệ khoảng 20 -30%, số còn lại là tố cáo sai. Trong hoạt động của bộ máy nhà nước với tỷ lệ tố cáo đúng và có đúng, có sai như vậy nó phản ánh hiệu quả của bộ máy cũng như sự tuân thủ pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn là chưa được đầy đủ nghiêm túc.
|
Trong nhiều trường hợp người đi tố cáo không hiểu rõ nội dung vụ việc, không nắm được bản chất của vấn đề nhưng vẫn đi tố cáo nhằm mục đích được thưởng vật chất. Do đó chúng ta phải đảm bảo tính chặt chẽ, phát huy tính tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong nhận thức và hành vi của người dân.
Vấn đề bảo vệ người tố cáo hiện nay được cho là chưa thực chất, khó thực hiện, chưa khiến người tố cáo yên tâm, vấn đề này cần được sửa đổi, bổ sung thế nào thưa ông?
- Việc bảo vệ người tố cáo trên thực tế gặp nhiều khó khăn nhất định, chính vì thế hạn chế việc công dân đứng lên tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, có không ít trường hợp người tố cáo đã bị trả thù, trù dập. Không chỉ người tố cáo mà người thân thích của họ cũng bị trả thù, phân biệt với nhiều hình thức khác nhau.
Chính vì thế những người mạnh dạn, dũng cảm đứng lên để tố cáo đấu tranh những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế. Đó cũng là một trong những lý do để sửa Luật tố cáo cho phù hợp với thực tiễn.
Tại quy định của Luật tố cáo năm 2011, đã có những quy định rất mới, mang tính tiến bộ, tích cực để bảo vệ người tố cáo. Chẳng hạn bảo vệ bí mật thông tin đến người tố cáo, bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, nơi cư trú, cũng như nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ. Những quy định đó rất tốt, đã hỗ trợ tích cực cho người tố cáo, đồng thời là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng như cơ quan công an áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Tuy nhiên việc bảo vệ người tố cáo là vấn đề không hề đơn giản vì nó liên quan nội dung bảo vệ, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, liên quan đến tổ chức thực hiện, liên quan đến kinh phí... không chỉ bảo vệ người tố cáo mà còn bảo vệ nhân thân của họ, do đó nội dung và trách nhiệm bảo vệ rất rộng, cho dù đã được quy định trong luật nhưng nó chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một mặt Luật tố cáo sửa đổi lần này sẽ nâng các quy định của Nghị định lên để tăng giá trị pháp lý, thứ hai sửa đổi các quy định khác đảm bảo tính khả thi. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện, trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, trách nhiêm trong việc xây dựng kế hoạch cũng như thực hiện biện pháp bảo về người tố cáo.
- Xin cảm ơn ông (!)
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 có xu hướng giảm so với năm 2015. Từ tháng 9.2015 đến hết tháng 8. 2016, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 384.785 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với 4.194 đoàn đông người; tiếp nhận 228.068 đơn thư các loại, với 37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính; đã giải quyết 29.117/37.039 đơn thư, đạt tỷ lệ 78,6%.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.