Múa rối cạn kiệt lớp kế cận: Khó khăn chồng khó khăn

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 23/10/2015 11:43 AM (GMT+7)
“Các kỳ cuộc liên hoan khác, mỗi tấm huy chương còn được kèm theo tiền thưởng 3-10 triệu đồng. Riêng liên hoan rối chỉ có tấm bằng công nhận và không có tiền thưởng”- NSƯT Phạm Xuân Thấm ngậm ngùi chia sẻ.
Bình luận 0

Lăn lội sinh nhai

Nghệ thuật múa rối gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt cổ từ ngàn đời nay, nhưng giờ đang hết sức gian nan trong việc tìm kiếm người kế cận. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Khơi- nguyên chủ phường múa rối Hồng Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết: Phường múa rối Hồng Phong cả chục năm nay không có người kế cận. Người trẻ nhất tại phường giờ ngót ngét 57 tuổi và già nhất là 78 tuổi! Tự con số này đã nói lên tất cả.

img

Vở “Đảo giấu vàng” của đoàn múa rối Hải Phòng được biểu diễn tại Liên hoan múa rối quốc tế 2015 diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hà

Theo ông Khơi, phường múa rối Hồng Phong đã nỗ lực thu hút các em trẻ tham gia hoạt động với phường, thậm chí có lúc thu hút được tới 7 em, nhưng các em chỉ ở được lâu nhất là 2 tháng, còn nhanh thì sau 1 tháng các em tự động bỏ.

Giải thích lý do vì sao lớp trẻ không thiết tha với nghệ thuật múa rối, ông Khởi cho hay: Lý do thứ nhất là thu nhập quá thấp, một ngày công được 50.000 đồng, thậm chí có ngày biểu diễn... không công. Một tháng được khoảng 10 tour du lịch thì được 500.000 đồng/người; nếu diễn 3 buổi thì một người được 100.000 đồng. Lý do thứ hai, các tour du lịch về Hải Dương thường đến và đi đột xuất, không có lịch cố định.  Chính vì vậy, phường múa rối Hồng Phong luôn trong tình trạng bị động và các nghệ nhân trẻ không thể sắp xếp công việc riêng hay đi đâu, làm thêm ở đâu. Do đó, dù rất yêu nghề, thậm chí nhiều nghệ nhân sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật múa rối 3 đời, nhưng không thể tiếp tục theo nghệ thuật múa rối.

Chưa biết gỡ từ đâu

 "Từ năm 2007 đến giờ, nhà hát không đào tạo được nghệ nhân mới. Với lượng khách du lịch khoảng 1.000 người mỗi ngày thì lực lượng diễn viên đang quá mỏng, nhà hát trong tình trạng thiếu nhân lực”.
Bà Ngô Thanh Thủy- Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam 

Cùng chung cảnh ngộ với phường múa rối Hồng Phong, nghệ sĩ ưu tú Phạm Xuân Thấm- nguyên đoàn trưởng đoàn múa rối Hải Phòng cho biết: Ở Hải Phòng, cả 4 đoàn là nghệ thuật sân khấu chèo, cải lương, kịch, múa rối đều đang rất khan hiếm lực lượng kế cận trẻ. Lý do khan hiếm vì 7 năm nay, Trường Trung cấp Nghệ thuật Hải Phòng vẫn loay hoay xin được nâng lên là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hải Phòng. Trong khi các gia đình và chính các bạn trẻ lại có một tâm lý chung rằng không muốn khi tốt nghiệp chỉ có tấm bằng là trung cấp trong tay bởi với họ, ít nhất phải là bằng cao đẳng.

 Lý do thứ hai là thu nhập múa rối quá thấp trong khi với các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, điện ảnh vừa dễ nổi tiếng lại được trả cát xê cao. Lý do thứ ba là Hải Phòng không phát triển du lịch như nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hội An, Huế… Ngoài ra, nghệ thuật múa rối dường như chưa được quan tâm đúng. NSƯT Phạm Xuân Thấm bộc bạch: “Chia sẻ như vậy để mọi người hiểu, thực trạng sân khấu múa rối của Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn. Có thể nói khó khăn chồng khó khăn. Tôi cho đây là khoảng trống lớn cho nghệ thuật múa rối”.

Còn với Nhà hát Múa rối Việt Nam, bà Ngô Thanh Thủy- Giám đốc nhà hát cho biết, nhà hát đang gặp khó khăn trong vấn đề tìm lớp kế cận. Hiện tại, nhà hát tuyển chọn từ năm 2007 đến giờ không đào tạo được lứa kế cận. Với lượng khách du lịch khoảng 1.000 khách mỗi ngày đến nhà hát, lực lượng diễn viên đang quá mỏng khiến nhà hát lâm vào tình trạng thiếu nhân lực.

Tuy nhiên, nếu so với các đoàn múa rối của các tỉnh thì Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn khả dĩ hơn, khi đào tạo lớp kế cận qua khoa kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, sau đó về nhà hát học thực tiễn sân khấu múa rối từ các nghệ sĩ thế hệ đi trước. “Nhà hát đã tạm thời tìm ra giải pháp về nhân lực, tìm lớp kế cận. Nhưng đây là vấn đề khó vì chúng tôi không có kinh phí để mở lớp, đào tạo theo cách chuyên nghiệp mà chỉ đào tạo theo hình thức truyền nghề, chỉ dẫn của lớp người đi trước với lớp đi sau”- bà Ngô Thanh Thủy cho biết.

Không có lớp trẻ kế cận là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này. Lý do: Các nghệ nhân cao niên người đã khuất núi, người thì cũng mấp mé ngưỡng đó. Do vậy, những tích trò truyền thống nếu không có lớp trẻ kế cận sẽ dần mai một và không thể phục dựng. “Tôi cho đây là điều đáng buồn nhất trong nghệ thuật múa rối. Đã đến lúc chúng ta cần rung lên những hồi chuông quyết liệt, không chỉ mang tính chất cảnh báo mà để các cơ quan quản lý quyết liệt vào cuộc”- nghệ nhân Nguyễn Văn Khởi tâm sự. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem