Nên giảm doanh nghiệp nuôi cá tra

Thứ ba, ngày 27/11/2012 07:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đây là đề xuất Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đưa ra trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhằm đưa ra các biện pháp cứu ngành cá tra, diễn ra hôm qua (26.11).
Bình luận 0

"Lấn" sân của nông dân

Theo VASEP, cá tra đang có những vấn đề rất nghiêm trọng, trong đó liên quan đến những khó khăn của sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do khó khăn lớn tập trung vào 2 mảng: Thị trường và vốn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, nguyên nhân sâu xa hơn là do bản thân các doanh nghiệp của chúng ta cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tự ta làm khó mình.

img
VASEP cho rằng cần giảm bớt các DN tham gia sản xuất cá tra không có nhà máy. (ảnh minh họa).

Cũng theo nhận định của VASEP, năm 2012 là năm nguy hiểm cho việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của năm 2013. Xuất khẩu bất bình thường ở chỗ, cơ cấu chuyển dịch từ 70% là nông dân nuôi cá tra, đến nay đã chuyển sang 70% là doanh nghiệp nuôi. Trong khi hiện hầu hết các doanh nghiệp lại đang thiếu vốn, nên dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành cá tra sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2013. Về phía người nông dân, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có tài sản thế chấp để vay.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, một nguyên nhân khác là do chất lượng cá tra. Việc giá bán cá tra giảm là do việc ngâm tăng trọng cho con cá không chỉ dừng lại ở mất an toàn thực phẩm, mà còn làm giảm chất lượng, uy tín xuất khẩu.

Giảm doanh nghiệp sản xuất cá tra

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng Thư ký VASEP kiến nghị, để cứu ngành cá tra, chúng ta cần có cơ chế tín dụng thông thoáng hơn. Đồng thời, cần có chính sách thắt chặt những điều kiện kiểm soát chất lượng đối với một số thị trường trọng điểm, cụ thể như EU và Mỹ. Cùng với đó phải tạo niềm tin cho thị trường, cần thiết phải "giảm bớt" các doanh nghiệp tham gia sản xuất cá tra không có nhà máy.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Hiện Bộ đã được Chính phủ giao xây dựng Đề án tăng cường xúc tiến thương mại đối với cá tra. Bộ đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản xây dựng và sớm trình để ban hành thực hiện ngay từ năm 2013. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo để các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay trung hạn đối với cá tra”.

"Ngân hàng cần tích cực điều tiết vốn hơn. Cần rót vốn vào đúng nơi đúng chỗ, nếu không sẽ tiếp tục nợ xấu… Bởi lẽ doanh nghiệp đã mất hết vốn rồi mà cứ tiếp vốn vào thì chắc hẳn sẽ "ngốn" hết vốn mà không ra được sản phẩm" - ông Dũng đề nghị.

Đại diện một số doanh nghiệp nuôi cá tra cho rằng, phải chấn chỉnh tình hình lộn xộn thị trường cá tra, trong đó có việc sử dụng hóa chất nuôi cá tra. Thậm chí cấm sử dụng hóa chất tăng trọng. Về vấn đề này, ông Tiệp nhấn mạnh: "Tiến tới phải xây dựng lộ trình nói không với ngâm tăng trọng cho cá tra. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm đối với những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem