Từ ý tưởng “phi” thực tế
Ông Lộc cho biết, từ năm 2003, thôn Hòa Lâm thực hiện dồn đổi ruộng đất. Khi đó những diện tích đất xấu, trũng gần như bỏ hoang, không ai muốn nhận, ông Lộc đã mạnh dạn đổi toàn bộ diện tích đất canh tác, trong đó có cả ruộng loại I về tập trung thành một thửa, rồi cải tạo khu đất xấu trồng lúa không hiệu quả sang làm trang trại. Trong quá trình đó, ông Lộc tình cờ “bén duyên” với con cua khi đánh đổ chậu cua của một bác nông dân. Qua trò chuyện, ông mới biết những con cua đồng nhỏ bé đó giá lên tới 120.000 đồng/kg. Từ đó, ông thai nghén ý tưởng nuôi cua trong vùng đất trũng của mình. Tuy nhiên, ý tưởng này không được ai ủng hộ.
Ông Hoàng Thế Lộc cần mẫn với từng mẻ cua. Ảnh: Phương Phúc
Nuôi cua không khó, nhưng cần nắm được kỹ thuật và quan trọng nhất là phải "ăn, ngủ" cùng chúng để hiểu rõ tập tính của loài cua”.
Ông Hoàng Thế Lộc
|
Để hiểu được tập tính của loài cua, ông Lộc đã bỏ nhiều thời gian, công sức ra đồng rình cua kiếm ăn. Cứ tầm 8 giờ tối, ông lại xách đèn pin ra trang trại lội ruộng tìm hang cua để quan sát cua di chuyển, cách tìm mồi, làm tổ, đẻ trứng... Thấy hành động kỳ quặc của ông Lộc, nhiều người bảo ông bị “hâm”. Nhưng nhờ đó, ông hiểu rõ hơn về loài cua. Ông Lộc nói: "Nuôi cua không khó, nhưng cần nắm được kỹ thuật và quan trọng nhất là phải "ăn, ngủ" cùng chúng. Cua không chịu được nhiệt độ cao, người nuôi cần nắm vững đặc tính này để có biện pháp chăm sóc hợp lý”.
Đến thu nhập tiền triệu
Để khắc phục điểm yếu không chịu được nóng của cua, ông Lộc trồng hàng loạt cây điền thanh trên một số bờ mô giả, tạo môi trường trú tránh cho cua trong những ngày nắng nóng. Không những vậy, cây điền thanh với bộ rễ rất phát triển, sẽ khắc phục được hiện tượng đất trong ao bị lở do cua đào hang. Đặc biệt, vào thời kỳ cua lột xác, thân cua rất yếu mềm nên dễ bị các loài động vật khác và cả chính những con cua khỏe mạnh ăn thịt. “Do đó, cần phải đắp bờ giả đủ dài để cua làm hang, lẩn tránh kẻ thù, mực nước tốt nhất cho cua là khoảng 80cm” - ông Lộc cho hay.
Trong việc thiết kế ao nuôi, chăm sóc, chế biến thức ăn và thu hoạch, vận chuyển, ông Lộc cũng tuân thủ những kinh nghiệm có được từ ngày “rình” cua để sáng tạo môi trường sinh sống tốt nhất cho cua. Trong quá trình nuôi cua, ông Lộc cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các kỹ sư thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nên ông rất tin tưởng vào quyết định của mình.
Bây giờ, gia đình ông Lộc xuất bán trung bình 3 tạ cua giống mỗi tháng, giá bán 130.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn bán gần 2 tạ chạch, giá bán 150.000 đồng/kg. Thu nhập từ 1ha nuôi cua, chạch của gia đình ông Lộc đạt khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Hiện ông Lộc đang ương giống cua để bán cho bà con ở nhiều tỉnh thành như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa... Bà con nông dân nào có nhu cầu học nghề hay chuyển giao kỹ thuật nuôi, thiết kế ao nuôi cua, ông Lộc đều nhiệt tình chỉ dẫn. Đến nay, đã có hàng trăm nông dân nhờ học nghề nuôi cua của ông Lộc mà có thu nhập đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.