Nếu lái xe Mercedes không bồi thường nữ tiếp viên hàng không, có quy định xử lý tăng nặng?

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 17/12/2020 08:45 AM (GMT+7)
TAND quận Phú Nhuận đã tuyên án 7 năm 6 tháng tù đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong - tài xế lái xe Mercedes tông chết lái xe Grabike và làm bị thương nữ tiếp viên hàng không. Trước đó, bị cáo này có dấu hiệu tẩu tán tài sản để "viện khó" trong việc bồi thường các nạn nhân.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, chiều 15/12, Tòa án nhân dân (TAND) quận Phú Nhuận, TP.HCM đã tuyên án vụ án xe Mercedes tông xe ôm công nghệ khiến tài xế xe máy tử vong, nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines  bị thương nặng xảy ra vào ngày 30/1/2020.

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp, tài xế xe Mercedes) khai sử dụng Giấy phép lái xe và CMND giả để thuê xe ô tô tự lái. Sau khi gây tai nạn, Phong bỏ trốn lên Lâm Đồng và đã vứt hết giấy tờ giả.

Khai với HĐXX bị cáo Phong cho biết, trong thời gian bị tạm giam sau tai nạn, Phong đã ký công chứng sang tên nhà chung cư mua trả góp chung với mẹ cho mẹ nên giờ không còn tài sản nào để bồi thường cho bị hại.

Vụ tiếp viên hàng không bị xe tông: Lái xe Mercedes có được phép ký công chứng bán nhà khi bị tạm giam? - Ảnh 1.

Bị hại Nguyễn Thị Bích Hường. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo mẹ bị cáo Phong,  gia đình bị cáo đã xin khắc phục hậu quả cái chết của tài xế Lê Mạnh Thường là 120 triệu đồng, nhưng gia đình không chấp nhận. Cũng tại toà, luật sư phía bị cáo Phong lại đề nghị bồi thường ban đầu chỉ 50 triệu đồng cho mỗi gia đình bị hại. 

TAND quận Phú Nhuận đã tuyên 7 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo Phong về tội Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX yêu cầu bị cáo bồi thường 1,4 tỷ đồng cho nạn nhân Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi, tiếp viên hàng không) và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, dưới góc độ pháp lý, khi một người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác gây hậu quả nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng người đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo yêu cầu.

Trong vụ việc nêu trên, bị cáo Phong có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến một nạn nhân tử vong và một nạn nhân bị thương tật vĩnh viễn. Do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định.

Vụ tiếp viên hàng không bị xe tông: Lái xe Mercedes có được phép ký công chứng bán nhà khi bị tạm giam? - Ảnh 2.

Chiều 15/12, Tòa án nhân dân (TAND) quận Phú Nhuận, TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án xe Mercedes tông xe ôm công nghệ khiến tài xế xe máy tử vong, nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị thương nặng xảy ra vào ngày 30/1/2020.

Bồi thường thiệt hại trong vụ án tai nạn giao thông chính là trách nhiệm của bị can, bị cáo, việc không bồi thường thiệt hại sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ mà còn đánh giá về thái độ nhận thức nên hình phạt sẽ nghiêm khắc. Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Đối với thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự, bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. 

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Vụ tiếp viên hàng không bị xe tông: Lái xe Mercedes có được phép ký công chứng bán nhà khi bị tạm giam? - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Đối với thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm áp dụng theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự, bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

Trường hợp không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo luật sư Cường, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 Bộ luật dân sự quy định thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc.

Phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì phải áp dụng theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

Trường hợp, nếu bị cáo có hành vi tẩu tán tài sản thì hành vi này không chỉ làm cho hợp đồng đó vô hiệu, trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà còn là hành vi vi phạm đạo đức xã hội.

Bởi vậy trong trường hợp này, người bị hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyển áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn giao dịch và yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất với mục đích tẩu tán tài sản.

Mặt khác, khi quyết định hình phạt, cơ quan tố tụng cần xem xét việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội để tuyên mức hình phạt phù hợp, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người bị hại.

Tại phiên xét xử, mức án được HĐXX đưa ra sau khi xác định bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng. Phong cũng có hành vi cố ý cản trở quá trình điều tra bằng cách vứt sim điện thoại để tránh định vị, nhắn tin cho Hà Tuấn Sang (người có tên trên giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả của Phong) yêu cầu khai "không quen biết" bị cáo.

Trong khi đó, đại diện VKSND quận Phú Nhuận lại cho rằng Phong ra đầu thú, thành khẩn khai báo, chấp nhận yêu cầu bồi thường của chị Hường và gia đình ông Thường nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù đối với Phong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem