Ngân hàng Nhà nước "kích hoạt" mạnh hơn hoạt động bơm tiền, lãi suất liên ngân hàng "nóng" trở lại

H.Anh Thứ sáu, ngày 24/02/2023 13:03 PM (GMT+7)
3 phiên liên tiếp, hoạt động bơm tiền trên kênh mua kỳ hạn được thực hiện với giá trị trúng thầu vào khoảng 10.000 tỷ đồng, trong khi tuần trước chỉ "vỏn vẹn" chưa đầy 300 tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng cũng "vọt" lên ở hầu hết các kỳ hạn.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước "kích hoạt" mạnh hơn hoạt động bơm tiền, lãi suất liên ngân hàng "nóng" trở lại

Thống kê từ số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trên thị trường mở ngày 23/2, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất.

Kết quả, có 12.100 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày lãi suất giữ ở mức 6,0%; có 9.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày với lãi suất ở mức 6%.

Như vậy, ngân hàng Nhà nước đã hút về tổng cộng 21.100 tỷ đồng tín phiếu trong phiên này.

Ngân hàng Nhà nước "kích hoạt" mạnh hơn hoạt động bơm tiền, lãi suất liên ngân hàng "nóng" trở lại - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đã "kích hoạt" mạnh hơn hoạt động bơm tiền trên kênh mua kỳ hạn.

Trong phiên liền trước (22/2), Ngân hàng Nhà nước cũng đã chào thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 8.750 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày lãi suất giữ ở mức 6,0%; có 10.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày với lãi suất ở mức 5,9%; có 24.999,9 tỷ đồng đáo hạn.

Đáng chú ý, tuần này Ngân hàng Nhà nước đã "kích hoạt" mạnh hơn hoạt động bơm tiền trên kênh mua kỳ hạn.

Chẳng hạn như trong phiên giao dịch ngày 23/2, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu 4.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 6,0%. Kết quả, có 3.499,99 tỷ đồng trúng thầu.

Phiên trước đó, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 6.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 6,0%. Có 5.999,99 tỷ đồng trúng thầu. Ngày 21/2, Ngân hàng Nhà nước cũng bơm ra 634,1 qua kênh này.

Trong khi tuần trước, kênh mua kỳ hạn chỉ diễn ra trong ngày 16/2, với giá trị trúng thầu "vỏn vẹn" 229 tỷ đồng.

Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB, Ngân hàng Nhà nước đã đảo chiều bơm ròng gần 12.250 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở trong ngày 22/02.

Còn theo thống kê từ Bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI, trong tuần trước Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 30,1 nghìn tỷ trên kênh thị trường mở.

Các chuyên gia tại đây nhận định, động thái của nhà quản lý tiền tệ nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn chuẩn bị cho cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 3 tới đây.

Thực tế, theo khảo sát của Dân Việt, lãi suất bình quân liên ngân hàng sau khi "tụt" khỏi mức đỉnh 13%/năm với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất này lùi sâu về sát ngưỡng 9%/năm. Cùng với đó, lãi suất qua đêm từ mức trên 6%/năm, giảm về chỉ còn trên 4%/năm trong tuần trước.

Tuy nhiên, bước sang những phiên giao dịch của tuần này, lãi suất bình quân liên ngân hàng "nóng" trở lại, đang trong xu hướng tăng dần.

Cập nhật tới ngày 22/2, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 6,11%/năm, tăng 1,47 điểm % so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng tăng lần lượt từ 4,86%; 5,4% và 6,44% lên 6,32%; 5,58% và 7,8%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng nhích thêm 0,36 điểm % trong tuần này.

Ngân hàng Nhà nước "kích hoạt" mạnh hơn hoạt động bơm tiền, lãi suất liên ngân hàng "nóng" trở lại - Ảnh 3.

Lãi suất liên ngân hàng "nóng" trở lại. (Nguồn: Saigontimes)

Lãi suất bình quân liên ngân hàng khó giảm trong thời gian tới?

Giới phân tích dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian tới. "Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc thì lãi suất trong nước mới có thể hạ nhiệt - có thể là trong nửa cuối năm 2023", Bộ phận phân tích của SSI nhận định

Các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến thanh khoản/lãi suất bao gồm: Áp lực từ việc Fed tăng lãi suất; số dư huy động vốn đang thấp hơn dư nợ tín dụng vào cuối năm 2022; một số yêu cầu về các tỷ lệ an toàn hoạt động (LDR, MLTL,…); và lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023.

Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%.

Do đó, đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, theo các chuyên gia, để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 - 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm.

Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem