Ngăn ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại Việt Nam

Thứ ba, ngày 19/10/2010 12:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) đang soạn thảo đề án “Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2015”.
Bình luận 0
img
Rùa tai đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại đang được nuôi phổ biến ở VN. Ảnh: Đình Thắng

Kiểm soát, ngăn chặn triệt để

Theo Bộ TN&MT, các loài sinh vật ngoại lai (SVNL) xâm hại hầu như ít được chú ý đến ở VN, cho đến nửa đầu thập niên 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ ĐBSCL đến đồng bằng Bắc bộ. Từ đó, các loài SVNL xâm hại mới từng bước được nhìn nhận như một vấn đề thời sự đối với nước ta. Các loài như cỏ Lào, bèo Nhật Bản, cây mai dương, bọ ăn lá hại dừa, hải ly, rùa tai đỏ... có tên trong danh sách "100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới" đang ồ ạt tràn vào VN.

Hiện tại, đề án "Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở VN đến năm 2015" đang được dự thảo, trong đó, mục tiêu tổng thể là ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực và an toàn xã hội.

Tất cả các cơ sở nuôi trồng, khảo nghiệm các loài ngoại lai phải được đăng ký với các bộ ngành có liên quan; đảm bảo 100% các sinh vật ngoại lai được nuôi trồng tại các cơ sở không phát tán ra môi trường xung quanh.

Mục tiêu cụ thể của đề án là đảm bảo 100% các loài SVNL ở VN được xác định cụ thể (tên, nguồn gốc xuất xứ, đặc tính…) khi nhập khẩu vào VN; 100% các loài ngoại lai xâm hại tại VN được thống kê, rà soát, đánh giá mức độ gây hại; diện tích phân bố cụ thể của từng loài ngoại lai xâm hại được lập tại VN; bản đồ phân bố cụ thể của các loài ngoại lai xâm hại...

Nhằm để kiểm soát việc nhập khẩu các loài SVNL, trong đề án quy định: Các SVNL khi nhập khẩu vào VN, phải qua các quy trình nhập khẩu, đánh giá mức độ nguy hại ban đầu; đảm bảo được các cơ quan, cán bộ quản lý T.Ư và địa phương nhận biết được hình dạng, con đường du nhập và tác động của SVNL xâm hại nguy hiểm và có các biện pháp cơ bản để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập và thiết lập quần thể của chúng.

Cảnh báo, phòng ngừa - ưu tiên hàng đầu

Bà Lê Thanh Bình - Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho hay: “Một khi SVNL đã bùng phát rồi thì xử lý chúng không hề đơn giản. Chúng ta đang yếu ở khâu phòng ngừa. Phải xem lại lịch sử sử dụng và lịch sử gây hại của sinh vật đó, chứ không chỉ bó gọn trong việc khảo nghiệm tại nước ta. Quy trình đánh giá rủi ro của SVNL phải được tính toán kỹ và làm khắt khe. Chính vì vậy, trong đề án chúng tôi đang muốn làm chặt, làm rõ vấn đề này”.

TS Đỗ Hữu Thư - Trưởng phòng Sinh thái thực vật (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho hay: “Đề án cần tập trung ưu tiên cho công tác ngăn chặn sự du nhập của các loài ngoại lai ở quy mô quốc gia. Khi có nhu cầu nhập một loài cụ thể nào đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ gây hại tiềm năng và đề ra các biện pháp quản lý cụ thể. Và cuối cùng là cần khuyến khích thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt các loài SVNL xâm hại đã phát tán ra môi trường”.

Hiện Bộ TN&MT là cơ quan cao nhất phụ trách về đa dạng sinh học, trong đó có việc quản lý SVNL. Vì thế, theo ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Bộ TN&MT phải có trách nhiệm công bố danh mục SVNL xâm hại để các đơn vị khác chiểu theo thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem