Phải nói rằng Huế không chỉ lưu dấu lòng bao du khách bởi phong cảnh “mộng mơ du tình”, mà ẩm thực cũng có những hương vị rất riêng, rất đặc trưng nét Huế. Những hàng quán bán mè xửng với phong phú các nhãn hiệu mè xửng khá nổi tiếng như Thiên Hương, Thiên Thịnh, Thông Hương, Song Hỷ, Cát Tường,… khiến ai dù một lần đến Huế hẳn đều sẽ biết.
Từng gói mè xửng được người dân Huế cùng du khách mua về ăn và làm quà.
Nhìn thoáng qua, mè xửng Huế được bọc bởi lớp mè vàng óng, trong suốt điểm vài chấm trắng của những hạt đậu phộng béo giòn. Cầm gói mè xửng Huế trên tay, người bạn không quên dặn dò “Mè xửng Huế ngon bởi có màu vàng trong suốt, bẻ thấy mềm nhẹ và không gãy, thơm hương vị đậu mè quyến rũ, đó là loại mè xửng tốt.”
Hiểu theo đúng ý của anh bạn thì, mè xửng Huế thơm ngon phải được làm từ chính đôi bàn tay khéo léo của những người thợ xứ Huế. Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, mùa nào ở Huế cũng đều có bày bán món kẹo thơm ngon này. Mè xửng Huế không chỉ có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn xuất ngoại ra nước ngoài. Có du khách nước ngoài khi đến Huế đã mua hẳn một va-li mè xửng về làm quà nơi ngoại quốc.
Có vẻ hơi quá khi anh bạn được dịp cứ “thổi phồng”, nhưng có ở Huế, đến Huế thì tôi mới thực sự cảm nhận hết được hương vị ngon rất riêng của mè xửng, nó có sức quyến rũ đến lạ.
Những miếng bánh mè xửng thơm ngon hấp dẫn.
Nhớ hồi còn nhỏ, có lần một người bạn của ba tôi (người gốc ở Huế) mỗi lần về thăm quê, khi lên đều mang theo vài gói mè xửng làm quà cho gia đình tôi. Quên sao được vị ngọt béo của đường, giòn của đậu phụng, thơm thơm của mè khiến chúng tôi chỉ dám nhâm nhi một hai miếng, còn lại cất để dành ăn dần. Sau này khi đã lớn, tôi còn biết thêm là mè xửng xứ Huế còn có một "người tình" đi kèm không thể tách rời đó là trà sen - thứ trà được ướp công phu từ những đóa sen còn đọng hơi sương của Huế.
Giờ đây đến Huế, còn được đến tận nơi sản xuất, chứng kiến mè xửng chủ yếu làm hoàn toàn thủ công. Công việc đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu gồm đậu phộng, mè, đường trắng và bột gạo. Mùi thơm, vị béo ngọt thanh nhẹ mè xửng Huế phần nhiều là nhờ những hạt mè đã được lựa chọn khá kỹ. Người Huế còn dùng loại gạo mới thơm ngon để làm nên thứ bột gạo trắng trong với hương vị đặc trưng khác biệt so với các nơi khác.
Bí quyết làm mè xửng của người Huế lại là công đoạn nhào trộn nguyên liệu và ép bánh sao cho chiếc bánh vừa chín, dẻo, không khô và cứng, lại thơm nồng mùi mè, phảng phất vị gừng cay cay, không quá ngọt, không quá nhạt. Đường cát nấu đến độ sôi nhất định mới cho bột gạo vào, trộn đều tay và khuấy liên tục để bột không bị vón cục. Đậu phộng sau khi bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài cũng được cho vào nồi đường.
Trong khi nấu đường, người thợ còn bỏ một ít nước chanh tươi vào nồi đường để có hương vị thơm ngon hơn. Hỗn hợp đường, bột gạo, đậu phộng vừa chín tới, phải nhanh tay múc kẹo bằng chiếc vá lớn đặt trên những chiếc khay cho nguội bớt đi. Lúc kẹo còn nóng rắc vội một lớp mè thơm. Tiếp tục cán ép đều kẹo trong một chiếc khung vuông vắn bằng thanh sắt tròn. Từng mảng kẹo mè xửng bấy giờ trông khá phẳng phiu, bắt mắt. Công đoạn cuối cùng là cắt kẹo thành những miếng vuông đều đặn. Trước khi đóng gói, chiếc kẹo mè được bọc khéo léo bởi túi bóng gấp từ bốn góc.
Ai cũng có một vài kỷ niệm trong những chuyến đi. Nhưng với tôi, đó là những buổi sáng cuối thu trời Huế se se lạnh, ngồi ngắm dòng Hương Giang vẫn còn phảng phất hơi sương, lại được cùng bạn bè nhâm nhi tách trà sen, thưởng thức vài chiếc kẹo mè xửng cố đô thì thú vị không gì bằng!.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.