Nhớ lại những ngày đông se lạnh năm nào, khi những cánh đồng đã vào mùa thu hoạch. Lúa đầu mùa cho gạo thơm ngon. Nó là thành quả của công sức cả năm trời người nông dân thấm đẫm mồ hôi trên đồng ruộng.
Chiều tà, xúc lon gạo mới, lựa sạch từng hột thóc còn sót lại rồi trút vô cái nồi đất hoặc cái xong bằng gang đem vo sạch. Chế nước theo lượng ước chừng của kinh nghiệm dân gian rồi đem nồi cơm bắc trên bếp, nấu cơm bằng rơm, bằng củi, ...
Tô nước cơm quê mùa (Ảnh minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Cơm sôi đều người ta dùng đũa tre khuấy nhẹ vào nồi rồi chắc nước. Xong, bắc lại nồi cơm lên bếp than để cơm chín dần.
Nước cơm nóng hổi, nhựa gạo ra đặc quánh sẽ là món canh sẵn có, vừa ngọt, vừa bổ, vừa bùi. Cơm trắng ăn với cá kho, chan miếng nước cơm nóng sẽ khiến mồ hôi người ăn vả ra, bao mệt nhọc dường như tan biến hết. Có người, theo thói quen ăn xong bữa cơm húp tô nước cơm rồi mới buông đũa.
Nồi đất nấu cơm gợi nhớ ngày xưa ấy! (Ảnh minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Trẻ con sơ sinh ở miền quê ngày trước thường có nước cơm “làm bạn”. Tô nước cơm thêm chút đường sẽ giúp cho các em bé đỡ lòng không quấy khóc khi chờ mẹ ngoài đồng xa trở về.
Tuổi thơ đi qua, thời nấu cơm bằng củi với những tô nước cơm ngọt ngào cũng dần lùi xa vào dĩ vãng. Ngày nay, công việc bận rộn, điều kiện sinh hoạt với đầy đủ tiện nghi. Cơm nấu trong nồi điện ít ai chắc nước để làm canh. Trẻ con đói lòng đã có sữa lon, sữa hộp thay cho sữa mẹ.
Nhưng đối với những người lớn tuổi ở miền Tây Nam bộ ký ức về tô nước cơm chắc vẫn như còn in bóng. Thỉnh thoảng, ở nhà quê người ta vẫn nấu cơm củi, vẫn chắc nước cơm, có lẽ như để tìm lại một hình bóng thân quen thuở nào!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.