Người La Hủ có nước sạch

Thứ năm, ngày 20/09/2012 09:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Không chỉ được Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp làm nhà ở, lớp học, đường giao thông... dân bản Tân Biên giờ còn có nước sạch để sinh hoạt nữa” - chị Phàn Phi Lơn - dân bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu, bảo vậy.
Bình luận 0

Không còn dùng nước suối

Cách trung tâm thị xã Lai Châu gần 300km, bản Tân Biên (xã Pa Ủ) là nơi cư trú của hơn 20 hộ đồng bào La Hủ. Đây là bản mới định cư theo Chương trình Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè.

img
Hệ thống nước sạch ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu giúp người dân bảo đảm sức khoẻ, phát triển thể lực ngày một tốt hơn.

Ông Phàn Xạ Chô - Trưởng bản cho biết: Trước đây, người La Hủ luôn di chuyển chỗ ở, cuộc sống khổ lắm, đói cơm, thiếu áo và thiếu cả nước sinh hoạt. Cuộc sống luẩn quẩn trong rừng sâu làm con người ốm yếu, lạc hậu thêm. Từ năm 2008, Bộ đội Biên phòng bắt đầu vận động nhân dân tái định cư để ổn định cuộc sống. Nhờ thế mới có cái bản đông vui, cái nhà cửa vững chãi, con đường ô tô về tận bản như thế này. Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ gạo ăn, được cán bộ dạy cách dùng nước sạch để sinh hoạt. Nay thì quen rồi, chẳng ai dùng nước suối để ăn uống, giặt giũ nữa.

Bên bể nước sạch ngay đầu bản, chị Phàn Phi Lơn đang giặt chậu quần áo to tướng. Chị bảo: Ngày xưa cứ du canh, du cư trong rừng sâu, khổ lắm. Từ khi về đây định cư, được Nhà nước xây cho cái bể nước này, chúng tôi vui lắm. Bát cơm nấu bằng nước sạch nhìn cũng ngon hơn, cái áo giặt bằng nước sạch nhìn cũng mới hơn. Con trẻ không còn bị giun sán như trước nữa... !

Giữ rừng mới có nguồn nước sạch

Từ bản Tân Biên, nhìn ra bốn bề núi rừng trùng điệp, phủ làn mây trắng mong manh, trung sĩ Sùng A Sinh - Bộ đội Biên phòng Đồn Pa Ủ, nói với chúng tôi: Trước đây, người La Hủ ở trong những cánh rừng kia thành những dòng họ, những gia đình lớn. Cuộc sống của họ gắn liền với canh tác nương rẫy, tức là phải phá rừng làm nhà và làm nương. Mấy năm về đây tái định cư, tập tục sống của người La Hủ đã khác nhiều rồi, rừng cũng không bị tàn phá bừa bãi nữa.

“Chúng cháu biết nước sạch này có được là nhờ cái cây trên rừng; phải trồng cây và bảo vệ cây rừng thì mới có nước sạch để ăn, để cấy lúa và tắm rửa...”.

Xác nhận những thông tin do anh Sinh vừa nêu ra, anh Phờ Phu Xa - dân bản Tân Biên bảo: Đúng là trước đây người La Hủ phá rừng nhiều lắm. Nhưng bây giờ chẳng ai phá rừng nữa đâu. Cán bộ, bộ đội đã dạy dân trồng lúa nước, bảo vệ rừng; có cái ăn, có nước sạch uống thì phải giữ rừng thôi.

Trời đã về chiều, đám trẻ chơi trên sân nhà văn hoá bản cũng đã thấy đói và mệt nên tản dần. Nhưng trước khi chia tay, đám trẻ vẫn tiến lại bên vòi nước công cộng đầu bản để rửa tay chân. Hỏi chuyện cháu Ly Sọ Lơ - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Pa Ủ. Cháu bảo: “Thầy, cô giáo và Bộ đội Biên phòng đều dạy chúng cháu phải rửa tay chân sạch sẽ trước khi ăn cơm, khi đi học và đi ngủ. Từ ngày có cái bể nước này, chúng cháu không ra suối tắm nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem