Người lưu giữ “hồn” dân tộc

Thứ năm, ngày 17/01/2013 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 74 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng ông vẫn rong ruổi khắp mọi buôn làng Tây Nguyên chỉ để làm một việc: Giữ lại tất cả những gì hồn cốt của các dân tộc anh em để sau này con cháu họ còn biết đến gốc gác cha ông...
Bình luận 0

Viện bảo tàng nhỏ

Ông là Đỗ Văn Toàn ở TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), là người Kinh nhưng bây giờ người ta gọi ông là K’Toàn và tất cả các dân tộc anh em trên cao nguyên này đều nhận ông là “người của buôn”… Câu chuyện bắt đầu từ năm 16 tuổi, Toàn theo gia đình vào Bảo Lộc, Lâm Đồng sinh sống. Cứ như bị “ma ám”, Toàn thường vào buôn làng của người K’Ho, Châu Mạ, Ê Đê, Lạch, Chil, MNông, Stiêng… tìm kiếm, nhặt nhạnh những vật dụng cũ kỹ, sứt mẻ người ta vứt đi mang về nhà. Mới đầu chỉ là sự thích thú cảm tính với những chiếc gùi rách, những chiếc khố cũ kỹ…

img
Ông Toàn bên những món đồ mà ông đã dành cả cuộc đời để có được.

Dần dà, Toàn đâm ra “mê” chúng. Ngày nào cũng vậy, sau giờ đến lớp, Toàn lại lén trộm gạo, muối, cá khô của mẹ, đưa vào buôn tặng để “tạo mối quan hệ”. Mới đầu, Toàn không thể đổi được, ngay cả thứ đã hư nát, vì người đồng bào cho rằng Toàn sưu tầm để bôi xấu họ. Mất nhiều thời gian giải thích, cuối cùng Toàn cũng mang được những gùi, ché, chén bát, dao pír, bẫy thú, khăn thêu… về nhà. Đến lượt cha mẹ Toàn, khi phát hiện ra chum gạo, hũ muối vơi đi nhanh chóng mà thủ phạm chính là đứa con thì mắng Toàn hết lời… Nhưng Toàn vẫn theo đuổi đam mê của mình. Nơi nào có buôn làng, nơi ấy có dấu chân của Toàn.

Mỗi đồ vật ông sưu tầm có hàng chục kiểu dáng khác nhau. Đơn cử như gùi, ông có hàng trăm chiếc. Trong chiếc gùi to là một chiếc gùi úp, trong chiếc gùi úp lại là một chiếc gùi nhỏ, bên trong chiếc gùi nhỏ lại là một chiếc gùi có nắp nhỏ hơn. Và bên trong chiếc gùi nhỏ có nắp ấy là những con dao pír, khèn sừng trâu, đàn môi... Về ché, ché lớn, ché nhỏ xếp hàng chen chúc đứng nép vào vách. Rồi trống, trống lớn, trống bé chồng lên nhau; bầu thượng, bầu không...

Điều không thể mất

Nhà K’Toàn như một bảo tàng thu nhỏ. Thậm chí nhiều thứ ở bảo tàng tỉnh không có nhưng nhà ông có. Hỏi số hiện vật đang có, ông trả lời: “Tôi chẳng biết đích xác bao nhiêu vì đâu có bán chác gì mà phải thống kê. Thế nhưng hễ mất thứ gì, dù là nhỏ, tôi cũng biết ngay”. Rồi ông phàn nàn chuyện năm nào có một đài truyền hình về xin quay “bảo tàng” của ông. Họ mượn ông một chiếc gùi nhỏ nhưng xong việc không thấy trả lại. Ông giận và tiếc, bởi mỗi đồ vật được mang về đã phải đánh đổi bao nhiêu thời gian, công sức và đã coi chúng như những đứa con tinh thần…

Nơi nào có buôn làng, nơi ấy có dấu chân của ông Toàn. Khi đã có gia đình, ông vẫn dành phần lớn thời gian và dành hẳn một gian nhà để làm “viện bảo tàng” của riêng mình...

Cho đến bây giờ nhiều người vẫn không thể hiểu ý nghĩa việc ông đang làm. Ông kể: Mới đây thôi, có đôi vợ chồng trẻ người K’Ho tình cờ vào nhà tôi. Khi ấy tôi đang xếp lại đồ vật cũ. Người vợ cầm lên một chiếc khăn choàng đã sờn màu, khen đẹp quá rồi hỏi tôi nó là của dân tộc nào. Tôi nói nó đã được chính tay các bà, các mẹ của dân tộc cô làm ra. Đôi vợ chồng trẻ ngỡ ngàng và năn nỉ để lại chiếc khăn cho họ… Khi tôi giảng giải cho họ nghe tất cả về những gì mình đang có của người K’Ho, đôi vợ chồng trẻ đã xúc động đến rơi nước mắt. Và tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi thấy họ nâng niu từng đồ vật như sợ làm đau linh hồn của cha ông...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem