Người thầy giàu lòng nhân ái

Thứ năm, ngày 28/04/2011 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dùng đồng lương ít ỏi của mình hỗ trợ sinh viên ăn học và vay tiền mở lớp dạy nghề thủ công miễn phí... Người giàu tình thương này là thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh, 28 tuổi, giảng viên khoa Xã hội học (Trường ĐH Khoa học Huế).
Bình luận 0

Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với tấm bằng loại ưu, chàng cử nhân quê Ninh Bình chọn Huế làm mảnh đất thực hiện niềm đam mê “gánh chữ, gánh đời”. Với mỗi học trò, thầy Tuấn Anh đều xem như anh em ruột thịt, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn.

img

Thầy Nguyễn Tuấn Anh hướng dẫn sinh viên làm đồ lưu niệm.

Cơ duyên đưa thầy gắn bó, kèm cặp sinh viên cá biệt là từ câu chuyện của Huỳnh Văn Lâm - sinh viên lớp Xã hội học K30. “Bước sang năm thứ hai đại học, Lâm mắc chứng hoang tưởng, bị các bạn chế giễu” - thầy Tuấn Anh kể lại. Vì thế, Lâm chán nản, bỏ học và đi lang thang.

Thấy Lâm "mất tích", thầy chạy đôn chạy đáo khắp nơi hỏi thăm tin tức, thậm chí còn nghỉ dạy lên tận nhà Lâm ở Gia Lai để tìm. Một hôm có cán bộ ở quần đảo Hoàng Sa điện về gặp thầy để xác minh vì Lâm xin ở lại đảo. Thầy Tuấn Anh nhờ các cán bộ gửi Lâm về trường để tiếp tục học. Về trường một thời gian, nhưng căn bệnh của Lâm vẫn không giảm, thầy Tuấn Anh đã chủ động đưa Lâm về ở cùng và trị liệu, chữa bệnh cho Lâm. Lâm dần bình thường trở lại, tốt nghiệp ra trường và hiện làm trưởng đại diện một công ty TNHH tại TP. HCM.

Còn trường hợp của Nguyễn Huỳnh - lớp Xã hội học K32 khá đặc biệt. Mê cá độ bóng đá, do thiếu tiền Huỳnh đã lấy hết quỹ lớp, quỹ đoàn để… chơi cho đã. Sau khi đã lao vào những cuộc chơi “tiền mất tật mang”, Huỳnh bị khoa kiểm điểm, bỏ học và đi lang thang. Thầy Tuấn Anh lại đi “bụi” theo Huỳnh để đưa chàng sinh viên trở lại lớp. Sau nửa tháng tìm mọi cách tiếp cận, khuyên can và giúp trả tiền quỹ lớp, Huỳnh đã quay trở lại lớp học. Được thầy kèm cặp việc học, sau một thời gian học lực của Huỳnh đạt loại khá và hiện được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.

Ngoài ra, thầy Tuấn Anh còn mở một cửa hàng bán các sản phẩm lưu niệm do mình và các sinh viên làm ra; tranh thủ giảng dạy thêm cho các em sinh viên cần phụ đạo và không lấy tiền. “Giúp được ai là tôi giúp. Dù nghèo nhưng ham học thì dù thế nào tôi cũng giúp đến cùng. Còn với những sinh viên cá biệt thì thường là giỏi, nhưng chỉ là đi lầm đường mà thôi, giúp các em trở lại đường sáng thì các em sẽ sống có ích cho xã hội”- thầy Anh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem