Nông thôn vẫn còn nhiều nét tự sản tự tiêu, ít tốn tiền hơn, cũng có của để dành. Nhìn thoáng qua bức tranh xã hội nông nghiệp cũng triển vọng lắm. Nhưng đất chật người đông, không ít nông dân vẫn phải ly hương, tha phương cầu thực. Nói theo sách vở là sẽ trở thành người lao động... vô sản, sống bằng đồng lương (thực chất là tiền công) do các ông chủ chi trả.
Lại sắp đến Tết, tàu xe lại sốt vé. Đây là dịp những “người thợ gốc dân cày” về quê, về nguồn cội tâm linh của mỗi dòng tộc, mỗi gia đình, mỗi người. Hy vọng năm nay sẽ bớt cảnh “cá hộp” trên lộ trình dằng dặc Nam - Bắc. Đất nước mình dài như chiếc đòn gánh, người dân lao động như đàn kiến bò dọc đòn gánh mưu sinh.
Chuyện làng quê để lúc khác kể. Chuyện những “người thợ gốc quê” xem ra ngày càng có nhiều chuyện để nói ít chuyện để vui. Ở quê ai cũng có nhà, đến chị Dậu ngày xưa cũng có một mái “nhà chị Dậu”. Bác Tôm bên Âu Mỹ cũng có “túp lều bác Tôm”.
Những “người thợ gốc quê” nếu có điều tra dân số, mục nhà ở, chắc chắn 100% khai: Không có. Tất cả đều ở trong những “căn hộ siêu cấp” gọi là nhà trọ. Thợ XHCN trước đây chí ít cũng có khu tập thể cấp 4. Thợ thời phát triển kinh tế thị trường rõ ràng là đều ở “xóm ổ chuột chưa hề có tỷ phú”. Ở quê thổi nồi cơm rất dễ, ra vườn hái nắm rau linh tinh cũng thành bát canh ngọt.
Quả cà muối xổi, nước mắm đặc, con tôm cất vó, bữa cơm gia đình vẫn ấm áp. Người thợ gốc quê” chủ yếu sống độc thân, ăn ở như... sinh viên quê trọ học tỉnh, suốt ngày làm việc như máy bên những dây chuyền, muốn đi toa-lét cũng phải có định mức số lần, số thời gian.
Làm gì còn đời thợ mộng mơ như câu thơ nửa thế kỷ trước: “Máy mệt lắm rồi - Dừng tay nghỉ chút máy ơi! - Ta làm mồi thuốc máy xơi giọt dầu”. Máy nhập ngoại không biết mệt, chỉ thợ là hoa mắt thôi. Mười năm làm thợ, mười năm vẫn trắng tay.
Thậm chí tuổi xuân bắt đầu phai vẫn không lập được gia đình. Nếu có, hai vợ chồng cũng không nuôi nổi con cái. Báo đăng ở TP.HCM có anh TVS, một “người thợ gốc quê” đang mắc kẹt vì “bão giá”. Với mức lương 2 triệu đồng/tháng, vợ con phải về quê, anh phải chuyển sang một nhà trọ rẻ tiền hơn và làm mọi việc vào ngày chủ nhật để kiếm sống. “Người thợ gốc quê” này phải thốt lên: “Giờ thì không thể cầm cự được nữa rồi”.
Trở về làng? Kiếm đâu ra 2 triệu đồng/tháng ở quê nghèo? “Người thợ gốc quê” đang đứng giữa ngã ba của sự chọn lọc? Tiếc thay, không có sự chọn lựa nào! Như thi sĩ Tản Đà ngày trước đã than: “Đôi vai gánh nặng, con đường thời xa...”.
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.