Nhà thơ Thanh Thảo và những hồi ức sau 45 năm

Thứ năm, ngày 17/04/2014 13:31 PM (GMT+7)
Nhà thơ Thanh Thảo vừa hoàn thành tập hồi ký có tựa đề “Lang thang qua chiến tranh”.
Bình luận 0
Có thể xem đây như những mẩu hồi ức đứt nối của nhà thơ sau gần 45 năm, kể từ khi ông tạm biệt cha mẹ mình tại Hà Nội để nhập vào Trường Sơn những năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

img
Nhà thơ Thanh Thảo trong một lần trở lại Trường Sơn năm 1998.

Thanh Thảo là một hiện tượng của thơ ca những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là một giọng thơ rất khác lạ so với “giàn đồng ca” đã đông vui, sum vầy trước đó khiến nhà thơ tài danh Chế Lan Viên, bấy giờ là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Tác Phẩm Mới (Hội Nhà văn Việt Nam) khi nhận những bài thơ lẻ đầu tiên rồi cả tập thơ của Thanh Thảo từ chiến trường gửi ra đã xiết bao vui mừng.

Ông cho đăng một lúc 13 bài thơ của Thanh Thảo trên tạp chí ấy với lời giới thiệu vô cùng trân trọng. Đây là một “phá lệ” của tạp chí này, vì trước đó, chỉ cần đăng một vài bài trên Tạp chí Tác Phẩm Mới đối với một người làm thơ vô danh cũng đã là nỗi thèm khát của những người mới bước vào nghề lúc bấy giờ.

Tập sách đã hé lộ nhiều “góc khuất”, đúng hơn là nó kiến giải nhiều câu chuyện mà Thanh Thảo chưa kịp nói trong thơ mình. Vì sao Thanh Thảo, đứa con độc nhất trong một gia đình cách mạng, cha ông là nhà cách mạng lão thành, năm 1970 đã 70 tuổi, mẹ ông cũng đã về hưu, “chỗ đứng” của Thanh Thảo sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội với tấm bằng giỏi lẽ ra phải là một nước xã hội chủ nghĩa nào đó hoặc một cơ quan nghiên cứu văn học ở Hà Nội, nhưng ông vẫn dứt áo ra đi?

Ông nói rằng, ông là kẻ “lang thang qua chiến tranh” nhưng thực chất, đi chiến trường với Thanh Thảo như một cuộc trải nghiệm của đời mình. Ông muốn sờ tận tay, thấy tận mắt cuộc chiến ấy để có thơ! Thơ ông phải là những con chữ được tôi luyện trong khói lửa của chiến tranh. Chính cuộc chiến ấy qua nhãn quan và sự trải nghiệm của một phóng viên chiến trường đầy ý thức đã đi vào thơ Thanh Thảo với những góc cạnh xù xì mà những người làm thơ trước ông không có được.

Thanh Thảo nhìn cuộc chiến ấy không phải bằng cái nhìn một chiều, dễ dãi. “Thử nói về hạnh phúc”, “Lời một người lính nói về thế hệ mình”, “Nguồn sáng trắng”... là những bài thơ như thế. Tình yêu nước trong thơ Thanh Thảo trong giai đoạn ấy không phải là kết quả của sự tưởng tượng hay đậm mùi sách vở mà nó được “nghiệm thu” ngay trong khói lửa chiến trường. Tác giả cũng hé lộ nhiều chi tiết thú vị qua “lai lịch” của một số bài thơ nổi tiếng của ông cũng như “hành trình thơ” của ông sau ngày giải phóng và đến tận hôm nay.

“Lang thang qua chiến tranh” không phải là một tập hồi ký theo lối từ chương như nhiều nhà văn đã viết. Nó chỉ là những lát cắt trong một quãng đường dài của nhà thơ nhưng đó lại là điều mà người đọc muốn biết về “góc khuất” của một nhà thơ “xù xì” như Thanh Thảo.
Trần Đăng (Trần Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem