Nhiều cổng thông tin nhà nước bị nhiễm mã độc

Vinh Hải Thứ năm, ngày 26/03/2015 09:27 AM (GMT+7)
Việt Nam nằm trong những nước bị nhiễm mã độc trên hệ thống máy tính nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, trong thời gian giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam,    tin tặc nước ngoài đã tấn công trên 700 trang mạng của Việt Nam để tung tin xuyên tạc, bịa đặt.
Bình luận 0

Xâm nhập mạng cơ quan nhà nước

Thông tin trên được Đại diện Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đưa ra tại Hội thảo – Triển lãm quốc gia an ninh mạng 2015 tổ chức ngày 25.3.

img

Security World là sự kiện thường niên do Bộ Công an chủ trì nhằm đánh giá các hiểm họa an toàn thông tin hiện hữu và đưa ra các phương án ứng phó kịp thời.        V.H

Theo Cục An ninh mạng, Việt Nam nằm trong những nước bị nhiễm mã độc trên hệ thống máy tính nhiều nhất thế giới, cụ thể: Đứng thứ 6 trên thế giới về các địa chỉ IP trong nước được dùng trong các mạng máy tính ma tấn công các nước khác, đứng thứ 7 trên thế giới về phát tán tin nhắn rác.

Đại tá Nguyễn Văn Thỉnh – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng cho hay: “Các đối tượng tấn công qua mạng nhằm vào Việt Nam gia tăng về số lượng, gây nguy cơ khống chế các trang thông tin, cổng thông tin điện tử. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng nhiều trang vẫn bị tấn công, chiếm quyền kiểm soát”.

Đại tá Thỉnh cho biết: “Đặc biệt, trong thời gian giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam, tin tặc nước ngoài đã tấn công trên 700 trang của Việt Nam và hơn 400 trang trong dịp Quốc khánh 2.9 để chèn các nội dung xuyên tạc chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa”.

Riêng trong năm 2014, Bộ Công an phát hiện 6.000 trang, cổng thông tin của Việt Nam bị tấn công, chiếm quyền quản lý. Trong đó, có 246 trang có tên miền “.gov.vn”. Qua việc kiểm tra, đánh giá an ninh tại các cơ quan bộ, ngành T.Ư, Bộ Công an phát hiện các cơ quan này bị nhiễm nhiều loại virus gián điệp nguy hiểm, xâm nhập hệ thống máy tính.

Không những thế, nhiều thiết bị phần cứng bị cài mã độc gây nguy cơ bị khống chế từ xa và định vị người sử dụng thông qua trạm BTS, smartphone chứa mã độc cho phép định vị, lấy trộm danh bạ, tin nhắn… Thậm chí, một số thiết bị lưu trữ di động có chứa sẵn mã độc cho phép tin tặc lấy cắp dữ liệu.

Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Tổng Giám đốc IDG ASEAN đánh giá các cuộc tấn công, chống phá trên mạng có chủ đích đang mang tầm quốc gia, rất nghiêm trọng. Các hoạt động tấn công trên mạng không chỉ mang tính chất buôn bán dữ liệu mà con phá hoại hệ thống mạng của các nước.

Ông Vũ Quốc Khánh – Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho rằng: “Phải xây dựng hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng để có cảnh báo sớm các cuộc tấn công. Đây không phải là công cụ do thám nội dung mà chỉ sàng lọc các dấu hiệu tấn công trên mạng để cảnh báo cho đối tượng bị tấn công”.

Ông Khánh cho biết, trong năm 2014 đã phát hiện 1,2 triệu lượt địa chỉ IP của Việt Nam bị sử dụng để tham gia các cuộc tấn công trên mạng. Hệ thống giám sát đã thực hiện nhận biết dấu hiệu các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, hỗ trợ một số tỉnh xử lý nhanh. Điều này giúp các cổng thông tin, trang mạng các cơ quan không bị nghẽn quá 2 giờ.

Ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho hay dự kiến cuối năm nay, Luật An toàn thông tin sẽ được trình Quốc hội thông qua. Đồng thời, để nâng cao nhận thức về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho biết cần có đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề này.

  Trung tướng Trần Văn Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết:  “Trước những hiểm họa tinh vi từ sự phát triển của mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số hiện đại, các phương thức và hệ thống bảo mật truyền thống đã không còn tác dụng hiệu quả để đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân”.     
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem