Nhìn từ Liên hoan ca trù toàn quốc: Phải chăng “khôn chưa tới trẻ...”?

Thanh Hà Thứ năm, ngày 28/08/2014 09:40 AM (GMT+7)
Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014 vừa khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của 26 đơn vị, câu lạc bộ ca trù đến từ 12 tỉnh, thành phố. 
Bình luận 0

Sau nhiều năm vinh danh các nghệ nhân già, những người nhiều năm đã gìn giữ, bảo vệ di sản của dân tộc thì năm nay, liên hoan ca trù lại hướng tới lớp trẻ, lứa nghệ sĩ kế cận.

Với 126 tiết mục tham gia, có thể khẳng định đây là liên hoan ca trù có số lượng tiết mục cũng như nhóm nghệ nhân, CLB Ca trù tham gia đông đảo nhất trong các kỳ cuộc được tổ chức từ trước đến nay. Liên hoan có sự xuất hiện của nhiều nhóm, CLB Ca trù mới như nhóm Ca trù của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, CLB Ca trù Phú Thị, CLB Ca trù Thượng Mỗ, CLB Ca trù Đồng Trữ...

Những người trẻ chỉ chừng 11-13 tuổi nhưng giọng hát đã ăn với nhịp phách. Đa phần các em đến với môn nghệ thuật truyền thống vì đam mê, bởi môn nghệ thuật này không có đam mê thì sẽ khó có thể theo được đến lâu dài. Cứ cuối tuần các em lại tụ họp nhau lại để nghe biểu diễn và tập luyện. Những ca nương nhí này cho hay, ca trù không phải ai cũng có thể say mê ngay được.

Nhưng đã hứng thú rồi thì có thể sẽ phải theo suốt đời. Song theo ca nương Nguyễn Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, một trong số ít đơn vị vẫn đỏ đèn mỗi tuần với những đêm diễn phục vụ du khách quốc tế, thì để kết nối tình yêu bền chặt với nghệ thuật này thì các ca nương nhí phải thường xuyên được dìu dắt, bồi dưỡng và truyền lửa đam mê.

Thực tế, nhiều giọng ca trẻ đã từng tỏa sáng như đào nương Nguyễn Thị Chinh được trao giải “Mở xiêm y” từ Liên hoan ca trù toàn quốc 2004 cho đến nay vẫn là một bóng dáng mờ nhạt, ít người biết đến. Hay như đào nương nhí Nguyễn Thị Minh Ngọc của CLB Ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh) giành giải Gương mặt trẻ triển vọng thì nay việc sinh hoạt định kỳ của em với CLB cũng thưa thớt dần...

Bên cạnh việc niềm vui khi cuộc thi đã xuất hiện nhiều thêm nhiều giọng ca nương trẻ, ấn tượng thì những người làm nghề không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi “bạn nghề” cứ thưa vắng dần đi. Năm nay, liên hoan thiếu hẳn 3 tỉnh là Thái Bình, Nghệ An, Nam Định, những nơi có truyền thống lịch sử về ca trù nổi tiếng nhất nhì trong cả nước.

Lý do dù không được ban tổ chức nêu cụ thể nhưng ai cũng hiểu rằng để các câu lạc bộ, các nhóm ca trù duy trì hoạt động thường xuyên trong làng, trong xã đã là việc khó nói gì tới việc tìm nguồn kinh phí tốt để tham gia các kỳ cuộc. Lứa nghệ nhân già đã lần lượt ra đi, để lại những khoảng trống không thể lấp đầy và những người yêu mến ca trù chỉ còn trông cậy vào hai cây đại thụ là cụ Nguyễn Phú Đệ và Nguyễn Thị Khướu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem