Nhớ Nhóm thứ 6

Thứ hai, ngày 02/05/2011 10:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhóm thứ 6 đã không còn hoạt động tích cực như trước kể từ khi ông Sáu Dân ra đi, nhưng vẫn giữ mối liên hệ giữa nhiều anh em.
Bình luận 0

LTS: Lịch sử sẽ còn nói về những đóng góp của Nhóm thứ 6 cho sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh và cho đất nước. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập nhóm chuyên gia đặc biệt này, NTNN giới thiệu bài viết của chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước - thành viên của nhóm như một sự tri ân công lao của những người đã ở lại cùng đất mẹ sau 1975.

Ra đời

Ngày 30.4.1975 đến. Nhiều người vẫn bám ở bến cảng, hy vọng rời đất nước. Riêng tôi sáng ngày 1.5 đã đạp xe đến Ngân hàng để trình diện và được cho phép tiếp tục công tác… Năm 1979, tôi cũng rời Ngân hàng vì tự nhận thấy không làm gì được nhiều theo chuyên môn mặc dù được Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh và Ngân hàng ưu đãi về mặt thu nhập.

img
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một số thành viên Nhóm thứ 6 trong dịp kỷ niệm 15 năm nhóm ra đời.

Sau thời gian đó, tôi vào làm ở Công ty Xuất nhập khẩu trực dụng quận 5, cùng một số đồng nghiệp nghiên cứu, thực hiện mô hình thí điểm của thành phố về cái gọi là phá thế cô lập, thiếu hụt nguyên vật liệu cho sản xuất bằng việc kinh doanh xuất nhập khẩu theo phương thức "nhập trước, xuất trả sau", không thanh toán bằng tiền (do thiếu ngoại tệ) mà thông qua hàng đổi hàng.

Mô hình thử nghiệm này của thành phố đã thành công vượt dự kiến, nhưng rất tiếc là không được Trung ương tán thành… Thay vì tiếp tục nghiên cứu các vấn đề vi mô, chúng tôi xoay qua suy nghĩ đến một số đề tài vĩ mô. Cơ hội đến với chính sách giá - lương - tiền của Chính phủ trong năm 1986.

Tiếng lành đồn xa, nhiều anh em đã từng cộng tác tại Uỷ ban Khoa học-Kỹ thuật lần lượt đến tìm hiểu và tự nguyện gia nhập nhóm - được gọi là Nhóm Nghiên cứu chuyên đề Quận 5. Lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm đến sinh hoạt của anh em nên thỉnh thoảng đến thăm hỏi, trong đó có ông Sáu Dân, ông Hai Chí, ông Sáu Tường, ông Năm Nghị…

Những tiếng vang

Với đề tài đầu tay về kinh tế vĩ mô "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế", sau nhiều tuần tranh luận sôi nổi, nhóm đã thống nhất quan điểm là cần phải đẩy giá lên để khuyến khích sản xuất chứ không phải giá quá cao cần phải kéo xuống. Đề tài đã nhanh chóng hoàn chỉnh, tạo hành trang cho chuyến du thuyết tại Hà Nội, theo lời mời của ông Sáu Dân do 3 "ngự lâm" Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn và Trần Bá Tước đại diện cho nhóm thuyết trình.

Nhóm thứ 6 được mệnh danh là "Nhóm 5 không": Không điều lệ, không biên chế, không vụ lợi, không chủ quản, không lương - nhưng sinh hoạt đều đặn, đúng giờ giấc vào các buổi tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 theo yêu cầu của đề tài, nhưng thứ 6 là buổi sinh hoạt thường xuyên.

Lần đầu tiên tiếp xúc với các chuyên gia phía Bắc, chúng tôi cũng rất lo ngại nhưng rất may là mọi việc có thể nói là thành công và đã tạo tiếng vang cho nhóm. Các đề tài được nghiên cứu tiếp theo gồm: Đổi mới hệ thống Ngân hàng, Đề án thành lập Ngân hàng cổ phần "Sài Gòn Công thương Ngân hàng", Chính sách phát triển ngoại thương, Quy hoạch phát triển kinh tế vùng, Đề án thành lập Khu chế xuất… Trong số các đề tài trên, có một số đề án đã trở thành hiện thực và thành công rực rỡ như Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Khu chế xuất Tân Thuận...

Nhóm thứ 6 đã không còn hoạt động tích cực như trước kể từ khi ông Sáu Dân ra đi, nhưng vẫn giữ mối liên hệ giữa nhiều anh em. Tháng 8 năm nay, nhóm đã tồn tại được 25 năm với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Một số anh đã từ bỏ cõi đời này như Phan Tường Vân, Lê Uỷ, Hồ Xích Tú, Lương Hữu Định…

Một số anh đã định cư ở nước ngoài và một số anh em còn ở lại chắc chắn nhớ mãi một số đóng góp nhỏ nhoi của mình vào công cuộc thay đổi và phát triển kinh tế của đất nước vì "chung xây vì một Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp là sự nghiệp chung của mọi người Việt Nam"- xin trích lời của ông Sáu Dân nhân kỷ niệm 15 năm Nhóm thứ 6.

“Tôi xin thi đua cùng anh em”

“...Tôi luôn quý trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi.

Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn.

Chúc anh em mạnh khoẻ, hạnh phúc. Tôi xin thi đua cùng anh em, tiếp tục làm công quả và khuyến khích được nhiều người cùng làm, với tất cả trách nhiệm vì sự nghiệp chung.

(Trích thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Nhóm thứ 6 ngày 1.11.2001)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem